Huyện Hà Trung: Nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách
Năm qua, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội của huyện Hà Trung đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu có nhiều biến động… Tuy nhiên, bằng việc thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách, các khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước và thu khác vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu.
Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện về dự toán thu ngân sách nhà nước, thu, chi ngân sách huyện, xã năm 2022; được sự chỉ đạo của Huyện ủy, giám sát của HĐND, sự quản lý, điều hành của UBND huyện cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân, công tác Tài chính - Ngân sách của huyện Hà Trung năm 2022 đã bám sát theo dự toán, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể cấp huyện, sự nỗ lưc của cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong huyện, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả trên mọi lĩnh vực, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển.
Có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 16,01%; tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện đạt 3.021 tỷ đồng, vượt KH năm; giá trị xuất khẩu tăng cao, đạt 200.807 triệu USD, bằng 148,757% so CK.
Công tác kêu gọi đầu tư đạt kết quả tốt, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất ổn định và đầu tư mở rộng sản xuất, như Tập đoàn TNH đầu tư dây chuyền số 02 sản xuất dây cáp điện ô tô (tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động), Công ty may Thiên Nam tại xã Hà Đông (tạo thêm việc làm cho 300 lao động).
Huyện tiếp tục thực hiện các dự án quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án khám chữa bệnh trung tâm Bệnh viện Đa khoa Hà Trung; Dự án Đường giao thông kết nối khu đô thị Hà Lĩnh, cụm di tích đền Hàn, Cô Bơ xã Hà Sơn; Dự án Đường giao thông từ trung tâm huyện đến Thị xã Bỉm Sơn; tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện tiêu chí nông thôn mới, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.v.v…
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2022, huyện có thêm 7 sản phẩm OCOP, đạt 175%KH, gồm 2 sản phẩm đạt 4 sao; 5 sản phẩm đạt 3 sao; có 2 làng nghề truyền thống được công nhận (nghề đan cót xã Hà Hải, nghề làm mắm tép xã Yên Dương)….
Mặt khác, huyện hình thành được các vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 125,3 ha tại 08 xã trên địa bàn huyện; có nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm.
Quản lý, điều hành thu - chi ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 3.021 tỷ đồng, đạt 100,7% KH năm, bằng 100,2% so với CK. Thu NSNN ước đạt 2.211 tỷ đồng; trong đó, thu NSNN tại địa bàn theo chỉ tiêu dự toán huyện giao ước đạt 649,929 tỷ đồng, bằng 214,9% dự toán tỉnh giao và 39,48 % dự toán huyện giao…
Trao đổi với PV Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung nhấn mạnh: Năm 2023 là năm thứ ba UBND huyện Hà Trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025), và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm thứ 2 của thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước mới nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách năm 2023, địa phương đã chỉ đạo các phòng, ngành, các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, của BTV Huyện ủy, của Chủ tịch UBND huyện về công tác Tài chính - Ngân sách; Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các luật thuế, chính sách thuế, phí và lệ phí cùng các quy định về đóng góp của nhân dân để mọi người dân hiểu và tự giác chấp hành.
Thực hiện công khai dân chủ trong điều hành ngân sách, cũng như trong chấp hành ngân sách; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Xử lý kịp thời nghiêm minh các trường hợp cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế, trốn thuế.
Đồng thời, phân tích xác định cụ thể các nhân tố ảnh hưởng tăng, giảm thu ngân sách trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển doanh nghiệp, phấn đấu trong năm 2023 thành lập mới 46 doanh nghiệp, từ đó tạo nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách nhà nước trên địa bàn. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát "kịch bản" mà huyện đã đề ra, rà soát thật kỹ từng chỉ tiêu cụ thể của ngành, lĩnh vực mình được giao, phụ trách để có giải pháp căn cơ, thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất.
Hà Trung cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các phòng ngành phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ngay từ ngày đầu, tháng đầu; chỉ đạo quyết kiệt công tác thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh theo quy định. Tăng cường quản lý các khoản thu đóng góp tự nguyện của nhân dân đảm bảo theo đúng Pháp lệnh 34, công khai minh bạch các khoản thu, cũng như các khoản chi, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; Quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước.
Tập trung xử lý nợ tồn đọng xây dựng cơ bản, nguồn vốn, công tác thanh toán, giải ngân các vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022, đảm bảo không phát sinh nợ động xây dựng cơ bản, đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Cùng với đó, UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đươc giao, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh dự toán phân bổ ngân sách nhà nước năm 2023 và các cơ chế, chính sách thông qua kỳ họp HĐND cấp xã quyết nghị để sớm triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023.
Nói về phương hướng năm 2023, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Dũng cho biết, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện khai thác tốt các nguồn thu theo quy định của pháp luật về thuế, phí - lệ phí, các chính sách thu của nhà nước và cơ quan có thẩm quyền; phấn đấu tăng thu ngân sách huyện từ 12% trở lên so với dự toán tỉnh giao; thực hiện chi đúng, các chế độ định mức theo quy định, bám sát vào dự toán đã được HĐND phê duyệt, điều hành chi theo đúng Luật NSNN; nâng cao ý thức tiết kiệm của các đơn vị dự toán, các xã, thị trấn trong điều hành chi tại đơn vị, địa phương, chủ động cân đối nguồn và nhiệm vụ chi còn lại để sắp xếp chi tiêu hợp lý, tiết kiệm chi thường xuyên cắt giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo…, hướng dẫn các đơn vị chi tiểu đúng quy định của pháp luật.
Để làm được điều đó, huyện Hà Trung đã và sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thu NSNN quản lý tài chính cho chủ tài khoản và kế toán các địa phương, đơn vị; đồng thời phối hợp với các ngành tham mưu UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn triển khai các văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực thu NSNN. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ để cán bộ, công chức được bổ sung, cập nhật kiến thức đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế mới và nhu cầu hiện đại hóa hệ thống quản lý ngân sách; mặt khác, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý tài chính.
Triều Nguyệt - Yến HoàngGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.