Huyện Hoằng Hóa: Phấn đấu đạt đô thị loại IV trước năm 2030
Hoằng Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, hiếu học và khoa bảng. Là huyện nằm ở trung tâm vùng đồng bằng ven biển, dân số đông, đất đai trù phú, có hệ thống giao thông thuận lợi, tiếp nối với TP. Thanh Hóa và các vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đây là những tiềm năng, lợi thế rất quan trọng, tạo động lực để huyện phấn đấu phát triển đạt đô thị loại IV trước năm 2030.
Theo báo cáo của Đảng bộ huyện Hoằng Hóa, trong số 30 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, có 28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu khó đạt. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2020 - 2025 ước đạt 7,02%, riêng năm 2024 đạt 9,53%.
Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 ước đạt trên 78,5 triệu đồng, xếp thứ 5 toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2020 - 2025 ước đạt gần 39 nghìn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 10.700 tỷ đồng, riêng năm 2024 đạt trên 2200 tỷ đồng, xếp thứ 3 toàn tỉnh.
Văn hóa xã hội chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân ổn định. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Huyện Hoằng Hóa đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng yêu cầu của Trung ương và của tỉnh.
Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch tiếp tục duy trì đà phát triển. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 27.603 tấn, đạt 110,4% kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản đạt 8.698 tấn, đạt 108,7% kế hoạch. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.800 ha, đạt 100% kế hoạch, trong đó, diện tích nuôi thâm canh trong ao bạt là 320 ha, tăng thêm 3 ha so với cùng kỳ; diện tích nuôi thâm canh có mái che là 80 ha, tăng 3 ha so với cùng kỳ. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới đang là lựa chọn được các hộ nông dân, HTX quan tâm, chú trọng đầu tư. Mô hình này khắc phục được các yếu tố bất lợi về khí hậu, môi trường nước.
Trong năm 2024, huyện đã có thêm 16 sản phẩm được hội đồng OCOP đánh giá xếp hạng 3 sao, nâng tổng số lên 45 sản phẩm OCOP thuộc 36 chủ thể của 25 xã, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao.
Công tác chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Huyện xác định, việc quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử là phương thức nhanh, hiệu quả nhất để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đồng thời, giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống trước đây...
Đến nay đã đưa được 43/45 sản phẩm OCOP lên sàn, còn 2 sản phẩm OCOP chưa lên sàn là 2 sản phẩm rượu có nồng độ cồn vượt quá 15%. Các chủ thể không chỉ phân phối sản phẩm thông qua kênh truyền thống mà đã tiếp cận được với thị trường tiêu thụ trên các trang web mua sắm trực tuyến như Shopee, Tiki,… các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok...
Việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Hoằng Hóa ngày càng mạnh mẽ. Từ kết quả thu được cho thấy, chuyển đổi số là một "sáng kiến hữu hiệu" giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của huyện ra thị trường rộng lớn hơn.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Hoằng Hóa ưu tiên cho công tác quy hoạch phát triển đô thị theo phương châm đi trước một bước để định hướng, bảo đảm tính đồng bộ, dự báo tầm nhìn phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của huyện đối với công tác quy hoạch là phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của cấp trên, đồng thời phải có tác dụng hỗ trợ nhau, tạo sự liên kết và đồng bộ, từ đó có tác dụng định hướng cho sự phát triển chung của huyện.
Từ năm 2020 đến nay, Hoằng Hóa đã hoàn thành xây dựng quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất và nhiều quy hoạch quan trọng khác, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đáng chú ý, một số quy hoạch quan trọng, như: Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Tiến với diện tích 2.600ha, Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Bút Sơn với diện tích 1.520ha; Đồ án quy hoạch chung đô thị Thịnh Lộc; Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Công nghiệp Phú Quý...
Những kết quả nổi bật trên là động lực quan trọng để Hoằng Hóa phấn đấu đạt đô thị loại IV trước năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu, trước mắt, huyện cần khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 18 ngày 05/12/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ huyện, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo quán triệt, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tập trung chuẩn bị tốt các văn kiện đại hội, đặc biệt là Báo cáo chính trị, Nghị quyết đại hội với chất lượng tốt nhất, sát đúng với tình hình thực tế của địa phương; làm tốt việc lựa chọn, chuẩn bị nguồn nhân sự cấp ủy và các chức danh cán bộ chủ chốt các cấp, đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12, phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện. Quan tâm giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp theo đúng quy định.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo hướng khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của huyện, phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh và phát triển đồng bộ, kết nối với TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và các trung tâm kinh tế động lực, các hành lang kinh tế của tỉnh. Hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị huyện Hoằng Hóa đến năm 2045, phấn đấu sớm thực hiện mục tiêu phát triển thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030.
Huy động mọi nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hoá để phát triển văn hoá, giáo dục, y tế. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm. Tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở theo Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để Hoằng Hóa hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, là trung tâm về công nghiệp và dịch vụ, du lịch vào năm 2030.
Yến HoàngĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.