Huyện Hoằng Hóa: Ưu tiên hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP
Tính đến hết năm 2024, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có 45 sản phẩm được công nhận OCOP, thuộc nhóm các huyện dẫn đầu toàn tỉnh.
Với mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã xác định phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế và cả nét văn hóa, phong tục tập quán sản xuất của người dân các địa phương.

Cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa).
Sau hơn 5 năm triển khai, toàn tỉnh Thanh Hóa có 573 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó, 2 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 514 sản phẩm 3 sao... trở thành một trong những địa phương có số lượng sản phẩm OCOP dẫn đầu cả nước. Cùng với đó, mỗi địa phương, chủ thể sản xuất luôn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng hiện hành nên nhiều sản phẩm được thị trường đánh giá cao.
Trong thực hiện Chương trình OCOP, huyện Hoằng Hóa chú trọng ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, huyện luôn chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về OCOP; hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung hỗ trợ kết nối thương mại để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Hoằng Hóa đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tiêu biểu như: nước mắm, mắm tôm Lê Gia; nước mắm bà Hảo; rượu sim rừng Bảo An, giò bò Thuật Yến, bánh gai Huy Thu, đông trùng hạ thảo Minh Trường...
Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu gắn với các chương trình hội chợ thường niên, xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ở tất cả các huyện, thị xã và thành phố trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP tham gia hoạt động trưng bày, quảng bá giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử... được huyện triển khai mạnh mẽ. Qua đó, giúp các chủ thể có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh việc khai thác giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh địa phương để phát triển sản phẩm OCOP tại các làng nghề, làng nghề nghề truyền thống, nhiều chủ thể đã phát triển thành công các sản phẩm mới. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, ISO, FDA... để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & Thương mại dịch vụ Lê Gia. Sản phẩm OCOP 5 sao.
Hiệu quả kinh tế của các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng từ 15 - 20% so với trước đó. Đồng thời, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tính đến hết năm 2024, huyện Hoằng Hóa có 45 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao là: Mắm tôm Lê Gia và Nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N nằm trong nhóm các huyện dẫn đầu về sản phẩm OCOP của Thanh Hóa. Năm 2025, huyện Hoằng Hóa đặt mục tiêu sẽ thêm 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Ðể phát triển sản phẩm OCOP bền vững, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh... Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Yến Hoàng
Đây là dự báo được chuyên gia kinh tế của Standard Chartered đưa ra tại tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và thế giới trong nửa đầu năm 2025, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/2.