Huyện Hoằng Hóa: Xây dựng, gìn giữ nét đẹp văn hóa bằng hương ước
Thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tác động tích cực đến các phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, giao lưu, hội nhập sâu rộng, diện mạo các làng quê trên địa bàn huyện Hoằng Hóa nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã có nhiều thay đổi, điều kiện lao động, phương thức sản xuất, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng lên, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm đã được đầu tư khang trang, nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn được cộng đồng gìn giữ và phát huy. Tư tưởng đoàn kết, tương thân tương ái được thể hiện một cách sâu rộng, bao trùm toàn bộ các nội dung của hương ước, quy ước ngày nay, gắn liền với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nhằm kế thừa và phát huy các giá trị thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống trong xây dựng cuộc sống mới, tạo ra sự kết hợp những yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu thế đổi mới về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo thông tin của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoằng Hóa cho biết, hiện toàn huyện có 100% các thôn, khu phố đều xây dựng và triển khai thực hiện các quy định hương ước, quy ước. Các thôn, khu phố đã chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước về các chuẩn mực ứng xử của các cá nhân, gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội; an ninh trật tự; nếp sống văn hóa, việc cưới, việc tang, lễ hội.
Việc thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện được triển khai tương đối nghiêm túc, đồng bộ. Các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức theo nghi thức truyền thống, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc kết hợp với biểu diễn văn nghệ truyền thống đã thu hút được nhiều người dân tham gia, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc. Việc cưới, việc tang được tổ chức theo điều khoản trong hương ước, quy ước với các tiêu chí: gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh.
Ngoài ra, người dân tích cực tham gia các đóng góp công sức, tiền bạc xây dựng các công trình phúc lợi, công trình văn hóa - thể thao, xây nhà tình nghĩa. Những trường hợp vi phạm hương ước, quy ước được kịp thời nhắc nhở, khiển trách. Do đó, hầu hết Nhân dân đều nêu cao tinh thần chủ động, nghiêm túc theo hương ước, quy ước.
Đến nay, toàn huyện có 236/243 thôn, khu phố được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa (đạt 97,1%); 51.494 hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 83,1%). 100% các đám cưới, đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh. Nhiều công trình như nhà văn hóa, sân thể thao, nhà tình nghĩa hay các lễ hội, hoạt động văn hóa - thể thao đều huy động được nguồn lực từ Nhân dân, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi.
Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tiêu biểu là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được hưởng ứng và đồng thuận thực hiện ở các tầng lớp nhân dân. Vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống được phát huy. Nội dung xây dựng trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của các bản hương ước xưa, đồng thời bổ sung những quy tắc, chuẩn mực mới vào hương ước, quy ước cho phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội.
Về thăm thôn Đằng Trung, xã Hoằng Đạo nhóm phóng viên chúng tôi được "tận mục sở thị", cảm nhận được sự đổi thay ấn tượng của vùng quê này. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao. Đám cưới, đám tang tổ chức văn minh, tiết kiệm...
Ông Lê Hùng Quyền, Trưởng thôn Đằng Trung, cho biết: Thôn có 165 hộ dân với 650 nhân khẩu. Để hương ước đi vào đời sống, phù hợp với tình hình thực tế, năm 2021, thôn đã thống nhất và sửa đổi hương ước. Hiện hương ước thôn gồm 9 chương, 25 điều, ngoài quy định chung, hương ước của thôn còn chú trọng việc đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa... Thực hiện hương ước, Nhân dân trong thôn luôn nhắc nhở nhau nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Nhờ đó, năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt trên 90%.
Không riêng gì thôn Đằng Trung, nhiều thôn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa cũng đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước sao cho phù hợp với tình hình thực tế, vừa gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp; vừa xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái.
Có được kết quả tích cực trên, thời gian qua, huyện Hoằng Hóa đã bám sát các quyết định, chỉ thị của Trung ương, tỉnh về việc đẩy mạnh xây dựng các hương ước, quy ước cơ sở; từ đó chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp rà soát, sửa đổi bổ sung nội dung hương ước. Trong đó, chú trọng những nội dung phù hợp với thực tiễn và phong tục tập quán ở địa phương; lồng ghép các nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" vào hương ước với những điều khoản quy định, như: các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... với bố cục ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú; tổ chức cho nhân dân ký cam kết việc thực hiện hương ước, quy ước, trong đó hương ước quy định rõ những việc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" dựa trên các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trật tự an toàn xã hội, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các công trình phúc lợi...
Nhìn ở lăng kính hẹp, việc giữ gìn kỷ cương trong cộng đồng gồm nhiều khía cạnh, như việc bảo đảm an ninh, chống các tệ nạn xã hội, duy trì tốt các quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng làng. Nhìn ở lăng kính rộng là phép nước: "sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Phải nắm được cái chung nhất để soạn thảo hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện của làng. Hương ước, quy ước một mặt buộc các thành viên phải tuân thủ các quy định của làng, giữ "hòa khí" làng xóm; mặt khác cũng có các điều khoản khuyên nhủ, khuyến cáo, đôn đốc, giám sát, buộc các cá nhân phải tuân theo pháp luật.
Để phát huy vai trò, thế mạnh của hương ước, quy ước trong việc duy trì trật tự xã hội và từng bước đưa các quy định pháp luật "đi vào đời sống, phát huy khả năng điều chỉnh của mình, các quy phạm của luật phải tìm cách hóa thân vào các quy định của hương ước, thông qua hương ước để đưa các mục tiêu điều chỉnh của mình đến từng cộng đồng làng, xã".
Do vậy, thời gian tới huyện Hoằng Hóa cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện hương ước; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước đã phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện thực tế địa phương.
Quá trình rà soát, sửa đổi phải thực hiện công khai, dân chủ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia thực hiện hương ước, quy ước gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đưa tiêu chí xây dựng, thực hiện hương ước vào để bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh nội sinh giúp các làng xã gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.