Huyện Lâm Bình: Gắn bảo vệ rừng với phát triển du lịch
Lâm Bình là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, nơi đây còn khá nhiều rừng tự nhiên cùng với hệ sinh thái phong phú nằm trong hồ thủy điện Na Hang – Lâm Bình, tạo nên tiềm năng và thế mạnh rất lớn để phát triển du lịch từ những cảnh quan đẹp rất thơ mộng giữa núi rừng Việt Bắc.
Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện. Huyện chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, khôi phục và duy trì các lễ hội hàng năm như lễ hội Lồng Tồng ở xã Thượng Lâm, lễ hội Nhảy lửa ở xã Hồng Quang, ngày hội văn hóa các dân tộc Mông, Dao…
Trên thực tế trong thời gian qua phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lâm Bình đã có nhiều khởi sắc, trở thành hướng phát triển kinh tế nhiều tiềm năng và quan trọng của huyện. Nổi bật là chương trình thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình du lịch homestay, từng bước trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 24 hộ làm du lịch cộng đồng homestay, đón khoảng 14.000 lượt khách mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng trên 100 lao động. Mô hình du lịch homestay trên địa bàn huyện đã giới thiêu, quảng bá chiều sâu về văn hóa, con người Lâm Bình đến với du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt trên địa bàn huyện Lâm Bình có quần thể hang, động vô cùng huyền bí cùng với hồ thủy điện Na Hang – Lâm Bình, đã và đang cuốn hút du khách đam mê du lịch khám phá. Hồ thủy điện Na Hang – Lâm Bình được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn của tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây còn lưu giữ hệ sinh thái vô cùng phong phú, cùng vô số hòn đảo lớn nhỏ trên mặt hồ đã tạo nên một cảnh đẹp rất riêng giữa núi rừng Việt Bắc, như núi Pác Tạ, thác Khuổi Nhi... Nếu như năm 2015 số lượt khách đến với huyện Lâm Bình chỉ vỏn vẹn khoảng 10.000 lượt, với doanh thu chỉ khoảng 4 tỷ đồng, thì năm 2020 đã có khoảng trên 120.000 lượt khách và doanh thu lên tới trên 70 tỷ đồng.
Nếu ai đã một lần ngồi trên thuyền đi trải nghiệm trên hồ thủy điện Na Hang – Lâm Bình chắc sẽ phải ngạc nhiên với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ nơi đây, bức tranh sơn thủy hữu tình khiến người ta liên tưởng đến Vịnh Hạ Long đang hiện ra trước mắt.
Để giữ được cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển du lịch khám phá, thì công tác quản lý bảo vệ rừng phải được được thực hiện nghiêm ngặt. Bởi rừng tự nhiên sẽ là điểm nhấn tạo nên hình ảnh thiên nhiên giao hòa, thu hút khách du lịch thích trải nghiệm. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng khu vực lòng hồ thủy điện Na Hang- Lâm Bình. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Tình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình, cho biết "Để bảo vệ nghiệm ngặt rừng phòng hộ khu vực lòng hồ thủy điện, ngoài việc thường xuyên tuần tra và kiểm soát, chúng tôi đã ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân để bảo vệ rừng tại gốc. Các hộ dân ký hợp đồng giao khoán được tạo điều kiện phát triển tăng gia sản xuất dưới tán rừng. Chính nhờ mô hình này đã giúp lực lượng kiểm lâm kiểm soát tốt công tác bảo vệ rừng".
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, trong những năm qua, số vụ xâm hại rừng tại huyện Lâm Bình liên tục giảm. Rừng tự nhiên được giữ vững tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, từng bước đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương này.
VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.