Huyện Lâm Bình: Nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP
Xuất phát điểm là một huyện miền núi, điều kiện tự nhiên và xã hội còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của tỉnh Tuyên Quang, đó là những rào cản lớn trên con đường thực hiện nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện Lâm Bình. Song với tinh thần đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, sau hơn 10 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình đã và đang phát huy các thế mạnh sẵn có, quyết tâm xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện. Bên cạnh đó huyện Lâm Bình cũng xác định phát triển nông nông nghiệp theo hướng hữu cơ là khâu đột phá, điểm nhấn là đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện trở thành kinh tế mũi nhọn, từng bước xoá đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong những năm qua, UBND huyện Lâm Bình đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. An ninh lương thực trên địa bàn huyện được đảm bảo, tổng sản lượng lương thực hằng năm đều đạt trên 25 nghìn tấn, gấp 1,4 lần so với thời điểm đầu nhiệm kỳ, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa. Tập trung thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm, nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang.
UBND huyện Lâm Bình khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, nhằm phát huy sức sáng tạo và nội lực tiềm năng của các xã trên địa bàn huyện để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Mục tiêu của huyện Lâm Bình đến năm 2025, huyện sẽ có sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao, tiêu chuẩn hoá, nâng cấp 5 sản phẩm đã phân hạng năm 2020 từ hạng 3 sao lên hạng 4 sao.
Hiện nay trên địa bàn huyện Lâm Bình có 25 sản phẩm OCOP bao gồm các loại như rượu thóc, rượu men lá, chè Khau Mút, cá lăng, thịt dê... trong đó sản phẩm thịt dê đang là hướng đi mới để phát triển kinh tế của huyện Lâm Bình.
Do địa hình của huyện Lâm Bình đa phần là núi đá chính vì vậy đây là điều kiện lý tưởng, rất phù hợp cho việc chăn nuôi dê núi. Thêm vào đó địa hình núi đá ở huyện Lâm Bình có thảm thực vật phong phú, có nhiều loại cây là thức ăn cho dê núi sinh trưởng khoẻ mạnh, thịt chắc, thơm, ngọt... nên thương hiệu dê núi Lâm Bình nhanh chóng được nhiều người biết đến và xuất bán đi nhiều tỉnh thành.
Để phát triển đàn dê núi ở huyện Lâm Bình trở thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, năm 2022, UBND huyện đã phối hợp với các đơn vị khoa học chuyên ngành cải tạo đàn dê núi của địa phương để đàn dê sinh trưởng khoẻ mạnh, cho năng suất, chất lượng cao. Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại huyện Lâm Bình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang xây dựng đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Quang Minh Toàn thôn Chấu Quân, xã Bình An tham gia mô hình chăn nuôi dê sinh sản cho biết: "Hiện tại gia đình tôi nuôi trên 20 con dê các loại, dê tăng trưởng khoẻ mạnh, đàn dê của tôi kết hợp chăn thả tự nhiên và nuôi nhốt tập trung, từ nhà tôi đến khu vực nuôi dê trên núi đá mất một buổi sáng đi bộ, chính vì kết hợp chăn nuôi tự nhiên và nuôi nhốt nên tôi kiểm soát được đàn dê sinh trưởng, con nào có biểu hiện ốm bệnh thì kịp thời được tiêm thuốc, con nào tăng trưởng chậm được tách đàn để chăm sóc riêng... Nuôi dê cũng không vất vả mà lại cho hiệu quả kinh tế cao, hiện tại giá thịt dê dao động khoảng 150 ngàn đồng/1kg, gia đình tôi thu nhập từ đàn dê khoảng 100 triệu/năm".
Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, Nguyễn Thành Trung cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị do đó chất lượng sản phẩm được nâng cao, được thị trường chấp nhận, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện. Đối với sản phẩm thịt dê Lâm Bình tới đây chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân nhân thêm đàn giống, chăm sóc, nuôi đàn dê theo đúng quy trình, đồng thời kết hợp với các nhà phân phối đưa sản phẩm thịt dê Lâm Bình trở thành thương hiệu của tỉnh Tuyên Quang.
Quang HưngCông cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".