Huyện Lâm Bình: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Địa phương
09:43 AM 26/07/2022

Sau gần hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực đưa nghị quyết vào cuộc sống, các thế mạnh của huyện đã được phát huy, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội đã có nhiều khởi sắc. Một trong những mục tiêu Huyện ủy Lâm Bình hướng tới trong năm 2022 đó là nâng số tiêu chí đạt bình quân/xã lên 15,3 tiêu chí.

Xác định rõ nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vô cùng khó khăn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Lâm Bình đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chương trình hành động mà đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Theo đó xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ đột phá, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó cần coi trọng phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân.

Tuyên Quang: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Lâm Bình - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình

Để triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II huyện ủy Lâm Bình tập chung xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, quy hoạch các vùng cây ăn quả; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao. Thêm vào đó là đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp liên kết hợp tác giữa 4 nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Thực hiện tốt chương trình sản xuất lương thực, xây dựng mỗi xã, thị trấn một sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Thành Trung cho biết: Từ nay đến hết nhiệm kỳ chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực, triển khai đồng bộ các chính sách để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong tâm là thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi suất vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiêu thụ sản phẩm từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Lâm Bình đã có gần 20 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm như thịt lợn đen, rau bò khai, dê núi, chè Khau Mút, rượu thóc Lâm Bình, thịt trâu khô - Bình An, cá đặc sản Lâm Bình... đã trở thành những sản phẩm chủ lực của huyện, cho giá trị kinh tế cao, được tiêu thụ ở nhiều địa phương trên cả nước. 

Tuyên Quang: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Lâm Bình - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình cho giá trị kinh tế cao

Đi đôi với việc phát triển kinh tế nông nghiệp, Huyện ủy - UBND huyện Lâm Bình xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, hiện tổng diện tích rừng của huyện Lâm Bình là 61.603,4 ha, chiếm gần 79% diện tích tự nhiên, trong đó rừng tự nhiên là 58.867,73 ha chiếm 95,6% diện tích có rừng. Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình đã thực hiện giao khoán trên 2.000 ha rừng phòng hộ khu vực ven hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình cho 50 hộ gia đình bảo vệ kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng cho thu nhập bình quân trên 75 triệu đồng/hộ/năm.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Lâm Bình tập chung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích và ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM. Đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, thu nhập, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, phấn đấu đến hết năm 2022 toàn huyện sẽ nâng số tiêu chí đạt bình quân/xã lên 15,3 tiêu chí.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.