Huyện Lang Chánh: Nỗ lực giúp người dân thoát nghèo
Là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, Lang Chánh có địa hình chia cắt, sông suối dày đặc, dân số gần 52 nghìn người, diện tích 58 nghìn ha, trên 50% là đất rừng phòng hộ, nên số người dân được hưởng thụ diện tích ít. Tuy nhiên Lang Chánh có thuận lợi về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và du lịch.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lang Chánh, lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2021-2025, Lang Chánh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch là yếu tố tiên quyết được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm.
Tập trung huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp, du lịch
Ngày 07/4/2022 UBND huyện Lang Chánh đã triển khai Đề án số 489/ĐA- UBND về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2022-2025; kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 19/4/2022 của UBND huyện Lang Chánh, kế hoạch phát triển, tiểu thủ công nghiệp năm 2022.
Khẳng định và lý giải về quyết tâm của huyện trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh chia sẻ: Để phát huy tiềm năng và lợi thế về nguyên liệu, lao động và khả năng cạnh tranh như: Chế biến Lâm sản, chế biến các sản phẩm tre, luồng, thủy điện, vật liệu xây dựng, cơ khí… huyện đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để đưa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng có vai trò thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững.
Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân năm 2022 tăng khoảng 11%. Để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Lang Chánh đang huy động các nguồn lực triển khai đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Song song, huyện sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu đến hết năm 2025 lấp đầy cụm công nghiệp Bãi Bùi.
Mặt khác, huyện Lang Chánh đang nỗ lực kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Lý Ải, nâng cao trình độ tay nghề, tìm ra bước đi thích hợp và giải quyết lao động nông thôn trên địa bàn.
Theo đó, ngày 12/1/2022 UBND huyện ban hành văn bản số 37/UBND –KTHT về việc bổ sung tên địa điểm xây dựng quy hoạch Cụm công nghiệp Lý Ải với diện tích quy hoạch là 20 ha, được chia làm 2 khu đối diện nhau qua đường Quốc lộ 15A. Trong đó, diện tích khu đất phiá Bắc khoảng 15,5ha thuộc địa bàn xã Đồng Lương, 4,5ha thuộc địa bàn thị trấn Lang Chánh.
Tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân
Báo cáo của Phòng kinh tế hạ tầng huyện Lang Chánh cho biết, hiện nay, giá trị sản suất công nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế. Cụ thể, may mặc đạt 1,2 tỷ đồng; công nghiệp chế biến đạt 1,3 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp nhỏ như: Hợp tác xã Chế biến Lâm sản Lang Chánh công suất và các cơ sở chế biến là sơ chế đũa, và một số sản phẩm khác… tạo việc làm thường xuyên cho khoảng gần 300 lao động.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sản xuất từ kim loại đúc sẳn (trừ máy móc, thiết bị) đạt 27,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Lang Chánh có Công ty thủy điện Trí Năng với tổng sản lượng là 12 triệu MW/năm.
Có thể nói, những kết quả trong sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện lang Chánh vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu, lao động mà huyện miền núi đang có.
Vậy, để đưa Lang Chánh sớm thoát khỏi huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, Lãnh đạo huyện đã có nhiều quyết tâm, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch.
Cụ thể, năm 2022, UBND huyện Lang Chánh đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 cho 02 doanh nghiệp gồm: Nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản phẩm tre luồng và Nhà máy chế biến lâm sản Lang Chánh. Huyện đã kêu gọi thu hút đầu tư và được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm tre luồng trên diện tích 15ha tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi, thị trấn Lang Chánh với tồng vốn đầu tư khoảng 298 tỷ đồng.
Ngoài ra, Lang Chánh đã thu hút được 02 nhà đầu tư vào địa bàn là Công ty TNHH may mặc HQVN địa điểm đầu tư tại xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh với quy mô 120 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động; Nhà máy giày da Công ty TNHH Minh Danh tại thị trấn Lang Chánh tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Dự kiến cả 2 doanh nghiệp này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023, giải quyết được lượng lớn lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Chia sẻ với phóng viên về quyết tâm sớm đưa Lang Chánh thoát khỏi huyện nghèo, ông Hoàng Văn Thanh - Chủ tịchUBND huyện Lang Chánh nhấn mạnh: Lang Chánh có thế mạnh về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp và du lịch. Mặc dù là huyện miền núi, nhưng các tuyến đường giao thông kết nối đến huyện đã được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp thuận lợi cho việc giao thương. Ngoài ra, Lang Chánh cũng có vị trí là trung tâm của các huyện miền núi nên rất thuận lợi để phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ.
Ông Thanh khẳng định: Quan điểm của Lãnh đạo huyện là tập trung tối đa cho các doanh nghiệp có năng lực, tạo việc làm cho người dân. Đến năm 2025, ít nhất các doanh nghiệp sẽ tạo việc làm cho khoảng 5 nghìn người có việc làm và đến năm 2030 sẽ có khoảng 10 nghìn đến 15 nghìn người có việc làm. Với khối lượng công việc như vậy, thu nhập khoảng trên 5 triệu đồng/người/tháng sẽ là mấu chốt quan trọng giúp người dân thoát nghèo bền vững và dân làm giàu. Ngoài ra, huyện rất quan tâm đến phát triển sản phẩm OCOP từ vùng nguyên liệu sẳn có của huyện như: măng tre, đũa, mây tre đan, rệt thổ cẩm giữ gìn bản sắc dân tộc… nâng cao thu nhập cho người dân.
Tính đến phương án lâu dài, chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho rằng: "Huyện chúng tôi đã tính đến phương án dài hơi, đến năm 2025 dài hơn là 2030, khi các cụm công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động, sẽ thu hút cả chục nghìn công nhân lao động, cần phải xây dựng nhà ở xã hội. Đây là yếu tố quan trọng để giữ chân công nhân lao động làm việc lâu dài, gắn bó với các doanh nghiệp".
"Để thoát nghèo Lang Chánh phải làm thật tốt các khâu đột phá nói trên, ngoài ra, công tác cán bộ cũng được Lãnh đạo huyện quan tâm. Huyện đang bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để đổi mới công tác cán bộ. Đây là khâu đột phá, chọn người có năng lực, dám làm, dám chịu. Vừa qua, đã có một số đồng chí Bí thư xã chủ động viết đơn xin nghỉ vì khả năng không đáp ứng được công việc" – Ông Thanh nhấn mạnh.
Hy vọng, với quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền huyện Lang Chánh trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và du lịch sẽ giúp người dân huyện miền núi nghèo có việc làm, ổn định, nâng cao thu nhập, sớm đưa huyện Lang Chánh thoát khỏi huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa.
Triều NguyệtCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.