Huyện Lục Nam: Triển khai Kế hoạch vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn
Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, năm 2024, được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tập trung thực hiện triển khai Kế hoạch vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình người có công.
Xác định việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát là chương trình quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và huy động các nguồn lực của các chương trình, dự án và từ cộng đồng để hỗ trợ người dân còn khó khăn về nhà ở.
Giai đoạn từ năm 2021 - 2023 các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Lục Nam đã tiếp nhận trên 15 tỷ đồng, triển khai xây dựng mới, sửa chữa 254 căn nhà “Đại đoàn kết” với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng; 100% hộ nghèo, cận nghèo, người có công được nhận quà Tết với số tiền trên 8 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 5,6%, xuống còn 3%.
Năm 2024, thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lục Nam đã và đang tập trung triển khai Kế hoạch vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn huyện với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương, xây nghìn căn nhà Đại đoàn kết”.
Qua rà soát, toàn huyện Lục Nam có khoảng 248 hộ đề nghị cải thiện nhà ở, trong đó có 141 hộ nghèo, 75 hộ cận nghèo và 17 hộ gia đình người có công, 15 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí dự kiến khoảng trên 10 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024, huyện Lục Nam đã ban hành kế hoạch triển khai nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, huy động doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công khó khăn về nhà ở.
Đối tượng vận động là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện; nhân dân trong và ngoài huyện; Đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp huyện Lục Nam. Mức vận động tối thiểu 01 ngày lương hoặc 01 ngày thu nhập trở lên.
Cùng với đó cuộc vận động được tiến hành thường xuyên, liên tục trong cả năm bằng nhiều hình thức như tổ chức lễ phát động như đăng tải thư ngỏ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thư ngỏ gửi tới các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân trong và ngoài huyện; trực tiếp gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lục Nam là đơn vị tiếp nhận của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Thời gian thực hiện kế hoạch vận động trong năm 2024, trong đó tổ chức vận động cao điểm vào quý II/2024 và kết thúc trước ngày 10/12/2024.
Đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công, hộ dân tộc thiểu số nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, hộ gia đình dân tộc Kinh sinh sống ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Trong đó, đối với hộ nghèo, mức hỗ trợ xây mới 50 triệu đồng/nhà, sửa chữa 25 triệu đồng/nhà; đối với hộ cận nghèo, mức hỗ trợ xây mới 40 triệu đồng/nhà, sửa chữa 20 triệu đồng/nhà. Kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn xã hội hóa do MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp với tổ chức thành viên vận động.
Đối với gia đình người có công, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, bảo đảm theo các quy định hiện hành; giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu triển khai thực hiện theo quy định.
Đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, vùng núi; hộ gia đình dân tộc Kinh sinh sống ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, bảo đảm theo các quy định hiện hành; giao Phòng Dân tộc huyện chủ trì phối hợp với ngành chức năng, UBND các xã tham mưu triển khai thực hiện.
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ, các hộ gia đình sử dụng nguồn lực sẵn có, huy động sự đóng góp, giúp đỡ của anh em dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, kết hợp với sự giúp đỡ của lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội... tham gia hỗ trợ.
Công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ nhà ở phải đúng mục đích và cam kết với nhà tài trợ, đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục và không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Để việc vận động đạt hiệu quả huyện Lục Nam đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cản bộ và nhân dân; vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, ổn định cuộc sống lâu dài, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chương trình... Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn được giao nhiệm vụ cụ thể để phối hợp thực hiện bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Vy Linh - Tri ThứcTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.