Huyện Mường Ảng: Điểm sáng trong phát triển cây ăn quả tỉnh Điện Biên

Sự kiện
05:17 PM 08/10/2020

Sau thời gian dài nghiên cứu và ứng dụng các giống cây trồng nhằm cải thiện kinh tế, khai thác triệt để tài nguyên vùng, chính quyền và nhân dân huyện Mường Ảng bước đầu gặt hái được nhiều thành tựu, đời sống người dân dần ổn định, kinh tế ngày một vững mạnh.

Thành công chưa nở trên đất dốc

Huyện Mường Ảng là một huyện nghèo thuộc tỉnh Điện Biên, bên cạnh dân trí còn hạn chế, khí hậu khô nóng, địa hình cao, chia cắt phức tạp... dẫn đến hoạt động kinh tế người dân vô cùng khó khăn. Hiểu được điều đó, từ nhiều năm trước, chính quyền các cấp đã nỗ lực áp dụng các chương trình, dự án nông - lâm nhằm thúc đẩy kinh tế nơi đây nhưng chưa đạt được kỳ vọng.

Năm 2012, người dân huyện Mường Ảng thua lỗ trong việc trồng cây cà phê, từ việc góp đất ăn chia lợi nhuận với Công ty CP cà phê Thái Hòa Mường Ảng cho đến việc bài học của cây cà phê "được mùa nhưng rớt giá", khiến đời sống của người dân trở nên khốn khó.

Huyện Mường Ảng: Điểm sáng trong phát triển cây ăn quả tỉnh Điện Biên - Ảnh 1.

Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mường Ảng kiểm tra mô hình cây ăn quả tại xã Ẳng Cang.

Bên cạnh đó, từ Dự án trồng trẩu, trồng quế, trồng cao su… cho đến các chương trình 327, dự án trồng mới 5 triệu héc - ta rừng bằng phương pháp gieo bay, bay gieo... của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục đích giúp người dân được hưởng lợi từ rừng, tuy nhiên kết quả không mấy khả quan.

Đứng trước vấn đề này, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đã đưa ra nhiều quyết sách mang tính đột phá trong đó ngày 07/07/2017 UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 610/QÐ-UBND về việc xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao... Đây được coi là bước đi đúng đắn của chính quyền địa phương trên con đường xóa đói giảm nghèo tại huyện Mường Ảng.

Khởi sắc kinh tế huyện vùng cao

Bưởi, cam, chanh leo... là những loại cây ăn quả đang cho năng suất cao tại huyện Mường Ảng khi người dân được hướng dẫn trồng, chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP.

Gia đình anh Phạm Xuân Vinh, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả. Với diện tích trên 3ha đất đồi, anh Vinh trồng toàn bộ cam Vinh và bưởi da xanh. "Ban đầu do mình chưa có kiến thức chăm sóc, nên cả cam và bưởi vỏ dày, vị chua nên rất khó tiêu thụ. Nhờ tham gia lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn chất lượng cao do huyện tổ chức, đồng thời được cán bộ chuyên môn xuống tận vườn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng quả cao, được khách hàng ưa chuộng, các thương lái vào tận vườn thu mua mà không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm", anh Vinh cho biết.

Bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2016, đến nay, toàn huyện Mường Ảng có tổng diện tích cây chanh leo là 30ha, năng suất ước đạt 13 - 15 tấn/ha/năm. Qua đánh giá của một số hộ gia đình đã trồng trước đây cho thấy sản phẩm cây trồng có múi rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đất đai huyện Mường Ảng.

Huyện Mường Ảng: Điểm sáng trong phát triển cây ăn quả tỉnh Điện Biên - Ảnh 2.

Gia đình anh Phạm Xuân Vinh, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng

thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, hiện trên địa bàn toàn huyện có khoảng 300 ha diện tích cây ăn quả. Việc trồng cây ăn quả được sản xuất liên kết theo chuỗi và sắp tới sẽ tiến hành mở xưởng thu mua. Qua đánh giá ban đầu, hiện các diện tích cây ăn quả đã cho thu bói với hiệu quả tương đối cao.

Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mường Ảng sẽ giảm dần diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả chuyển đổi sang cây trồng khác; trong đó, phát triển cây ăn quả lên 1.000 ha. Mục tiêu tập trung phát triển vùng cây ăn quả ở huyện Mường Ảng thành vùng trọng điểm ở tỉnh Điện Biên.

Cùng với hoạt động trồng trọt, quá trình liên kết giữa các vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng, các tỉnh thành trên cả nước nói chung cũng được chính quyền huyện Mường Ảng đẩy mạnh nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đảm bảo đầu ra cho người dân khi cây trái tới vụ thu hoạch.

Bên cạnh cây ăn quả, huyện Mường Ảng đã ứng dụng trồng thành công cây mắc ca trên đất lâm nghiệp chưa có rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ những chuyển đổi phù hợp trong nông nghiệp, đời sống người dân dần ổn định, thu nhập bình quân đầu người huyện Mường Ảng năm 2020 đạt 25,2 triệu đồng/người/năm. Trước những thành công ban đầu, huyện Mường Ảng đề ra mục tiêu phấn đấu định hướng đến năm 2025 có khoảng 2.000 - 2.500ha các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả.

Với những thành quả đạt được, chính quyền và người dân huyện Mường Ảng cần phấn đấu hơn nữa, đề ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn bám sát với đặc điểm riêng của vùng miền, tận tình, là người bạn đồng hành với người dân, hướng đến huyện Mường Ảng là một trong những huyện phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh Điện Biên.

Thanh Hải
Ý kiến của bạn
Hoa đỗ quyên đồng loạt bung nở, du khách đổ lên Fansipan check-in rần rần Hoa đỗ quyên đồng loạt bung nở, du khách đổ lên Fansipan check-in rần rần

Hoa đỗ quyên đồng loạt nở rộ trên dãy Hoàng Liên Sơn, khiến Sa Pa trở thành “điểm nóng” hút hàng ngàn du khách đến thưởng hoa, sống ảo. Rất nhiều bí quyết được các tín đồ đỗ quyên chia sẻ để có được những khoảnh khắc ngắm hoa đẹp nhất và những bức ảnh check-in ưng ý nhất.