Huyện Mỹ Đức: Dự án Cầu đập tràn Quan Sơn và những bất cập từ thực tiễn cần thay đổi
Khi quyết định đầu tư xây dựng dự án Cầu đập tràn Quan Sơn, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và các đơn vị liên quan xác định đây là dự án động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai dự án, doanh nghiệp và người dân (đối tượng theo lý thuyết được hưởng lợi từ dự án) lại phát hiện ra những tình huống bất cập. Vậy, thực hư ra sao?
Kỳ vọng từ dự án trăm tỷ
Dự án Cầu đập tràn Quan Sơn (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) chính thức được khởi công xây dựng tháng 4/2021. Đây là dự án do UBND huyện Mỹ Đức làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức làm đại diện chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 288 tỷ đồng, thời gian thực hiện thi công trong vòng 2 năm.
Theo Quyết định số 3828/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc "Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cầu đập tràn Quan Sơn", Cầu đập tràn Quan Sơn sẽ tạo ra một tuyến đường giao thông có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và hiện đại, kết nối các tuyến đường quy hoạch đã được đầu tư, giảm tải cho các tuyến đường trong khu vực.
Cụ thể hơn, theo công bố từ phía chủ đầu tư, dự án này có vai trò tạo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông tuyến đường Tỉnh lộ 424 với Đại lộ Hồ Chí Minh, kết nối giao thương giữa huyện Mỹ Đức với tỉnh Hoà Bình và các tỉnh lân cận, đảm bảo cho việc giao thương, lưu thông hàng hoá và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Những bất cập từ thực tiễn
Về lý thuyết là vậy, tuy nhiên khi triển khai thi công mới chưa đầy một tháng, dự án Cầu đập tràn Quan Sơn đã vấp phải hàng loạt các vấn đề từ thực tiễn, và đáng nói nhất là vấn đề cấm đường và phân luồng giao thông. Bởi hệ lụy khiến các phương tiện vận chuyển của người dân và doanh nghiệp mỗi ngày đều phải đi đường vòng rất xa, thay vì trước đó chỉ phải vượt vài trăm mét qua đập tràn Quan Sơn.
Việc các phương tiện vận tải phải đi vòng với quãng đường xa hàng chục cây số, qua các tuyến đường liên xã, liên thôn, do phải tránh khu vực thi công dự án Cầu đập tràn Quan Sơn, đang khiến chi phí vận tải, chi phí lưu thông tăng lên chóng mặt.
Đồng thời, thực trạng đó cũng gia tăng áp lực quá tải giao thông lên những tuyến đường khác, như đường thôn Viêm Khê, thôn Phú Liễn... Những tuyến đường liên xã, liên thôn, tuyến đường nông thôn mới mà địa phương đã nỗ lực xây dựng, sẽ có thể kéo dài "tuổi thọ" đến đâu, khi mà hàng ngày, lưu lượng phương tiện giao thông rầm rập kéo về gấp nhiều lần so với lưu lượng giao thông vốn có?
Về phía các doanh nghiệp, khi không có đường tránh, phải đi đường vòng quá xa sẽ khiến các chi phí đội lên, bao gồm chi phí vận tải và các chi phí khác. Cùng với đó là chuỗi cung ứng sản xuất rất có thể bị gián đoạn, đứt gãy, do thời gian vận chuyển của doanh nghiệp dài hơn, bất ổn hơn.
Vấn đề làm đau đầu người dân và các doanh nghiệp là bài toán chi phí phải bỏ ra khi đi đường vòng, bao gồm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện và hàng trăm vấn đề khác trong vòng 2 năm tới?
Không thể làm ngơ trước bất cập
Thực tế những tác động từ mặt trái của việc triển khai dự án Cầu đập tràn Quan Sơn đã và đang khiến cho cuộc sống của nhiều hộ dân sống quanh khu vực, và các doanh nghiệp có hoạt động vận tải di chuyển qua đập tràn Quan Sơn bị xáo trộn hoàn toàn.
Hiện nay, do quá bức xúc, người dân và doanh nghiệp đã có nhiều đơn kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng, phản ánh lên các cơ quan thông tấn báo chí. Họ mong muốn cơ quan chức năng xem xét lại dự án, đáng kể nhất là bổ sung thêm hạng mục đường tránh cho xe lưu thông trong thời gian xây dựng Cầu đập tràn Quan Sơn.
Làm sao để đảm bảo hài hoà lợi ích trước mắt và lâu dài?
Sau khi nhận được phản ánh về những bức xúc nêu trên, PV đã đặt lịch với UBND huyện Mỹ Đức và có buổi làm việc với đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức.
Tiếp PV, ông Vương Quang Hợp, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức, khẳng định: UBND huyện Mỹ Đức (chủ đầu tư) đã tổ chức triển khai dự án Cầu đập tràn Quan Sơn đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND thành phố trong toàn bộ quá trình tổ chức quản lý, thực hiện dự án.
Khi được hỏi: "Ông nhìn nhận gì về việc người dân và doanh nghiệp phản đối do chi phí phương tiện lưu thông khi phải đi đường vòng quá lớn, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung thêm hạng mục đường tránh cho xe lưu thông qua tuyến đường?", ông Vương Quang Hợp cho biết: Đó chỉ là vấn đề của nhiều doanh nghiệp, không phải vấn đề của tất cả người dân. Các doanh nghiệp cần chia sẻ với Nhà nước. Để đạt được hiệu quả cao hơn, mỗi bên cần phải có sự chia sẻ.
Trả lời câu hỏi: "Tại sao Chủ đầu tư dự án không làm đường tránh cho người dân và doanh nghiệp theo như kiến nghị của họ?", ông Vương Quang Hợp cho biết: Về lý do không làm đường tránh tạm thời cho dân, là do đặc điểm về địa hình, địa chất theo số liệu khoan khảo sát địa chất tại khu vực quanh đập Quan Sơn rất phức tạp. Nếu xây dựng đường tránh trực tiếp qua khu vực đập tràn là không đảm bảo, tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân khi đi qua khu vực này".
Theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, trước đây khi triển khai công trình nâng cấp đập Quan Sơn, chính quyền đã từng làm đường tránh để xe lưu thông, hiện trạng nền đường tránh vẫn còn. Thế nhưng, khi triển khai dự án xây dựng Cầu đập tràn Quan Sơn, chính quyền lại chỉ cấm đường, thay vì làm đường tránh như trước.
Và người dân đặt câu hỏi rằng, nếu đã có văn bản thể hiện kết luận của các cơ quan chuyên môn về đặc điểm địa hình, địa chất dẫn đến không thể làm đường tránh, tại sao huyện Mỹ Đức không công khai văn bản này cho người dân và công luận nắm được, để tránh tình trạng đơn thư phức tạp?
Để có thông tin đa chiều, PV đã liên hệ với đại diện UBND xã Hợp Tiến. Chủ tịch UBND xã này, ông Trần Phiu, khẳng định địa phương đã nhận được những kiến nghị của người dân về những bất cập khi phải đi đường vòng theo phân luồng của Sở GTVT. Và hiện người dân đang yêu cầu làm đường tránh gần khu vực thi công Cầu đập tràn Quan Sơn. Về vấn đề này, xã không có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, căn cứ vào các đề nghị của người dân, xã đã báo cáo lên huyện để xin ý kiến. Khi có thông tin từ huyện, xã sẽ thông tin tới báo chí.
Thực tế nêu trên cho thấy, kế hoạch cấm đường, phân luồng giao thông tại dự án Cầu đập tràn Quan Sơn cần được tính toán và tiến hành một cách hợp tình, hợp lý. Và đặc biệt, cần phải quan tâm đến những người liên quan đến dự án, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án. Từ đó, việc triển khai thi công dự án mới đảm bảo hài hoà lợi ích trước mắt và lâu dài, tạo sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Nguyễn HạnhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.