Huyện Nông Cống: Chú trọng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản
Để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, thời gian qua, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản. Qua đó, từng bước đưa công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đi vào nề nếp.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, Nông Cống là địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, chủ yếu là khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường như đất, đá, quặng secpentine… và có nhiều đơn vị tham gia khai thác.
Hiện nay, toàn huyện Nông Cống có 18 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn (hiện có 1 doanh nghiệp đang thực hiện đóng cửa mỏ). Trong đó, có 8 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng tại các xã Tân Phúc, Hoàng Sơn, Hoàng Giang; 1 doanh nghiệp khai thác đá phụ gia xi măng tại xã Yên Mỹ; 6 doanh nghiệp khai thác đất tại các xã Trường Minh và Tượng Sơn; 2 doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng secpentine tại các xã Tế Lợi và Tế Thắng. Do đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản cũng như vấn đề môi trường trên địa bàn tương đối phức tạp.
Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, trong thời gian qua, huyện Nông Cống đã đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Khoáng sản, các văn bản pháp luật khác có liên quan đến các doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Hàng năm, huyện Nông Cống đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, chủ tịch UBND các xã, thị trấn để thống nhất biện pháp quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; thành lập các đoàn kiểm tra, tổ kiểm tra liên ngành, có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.
Nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện những năm qua đã cơ bản đi vào nề nếp, nghiêm túc thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã được ngăn chặn triệt để.
Các đơn vị khai thác khoáng sản được cấp phép trên địa bàn huyện đã có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định của tỉnh, của địa phương, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn lao động, thực hiện nghiêm việc khai thác trong mốc giới, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh và các biện pháp bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị khai thác khoáng sản chưa thực hiện đúng quy định trong hoạt động thăm dò, khai thác vượt ra ngoài mốc giới khu vực được phép khai thác; lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản không đúng theo quy định; chế biến và vận chuyển.
Theo thống kê, tính riêng trong năm 2022, đoàn kiểm tra đã phát hiện và tiến hành lập biên bản, xử phạt đối với 4 doanh nghiệp vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số tiền phạt là 191 triệu đồng gồm: Công ty cổ phần khoáng sản đầu tư xây dựng thương mại tổng hợp Thanh Ba; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng công trình Mê Kông; Công ty TNHH đầu tư XD thương mại Hoàng Huy; Công ty TNHH Xây dựng Hạ tầng Hưng Thịnh Phát. Qua các đợt kiểm tra, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn đã khắc phục những vi phạm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Để kiểm soát tốt hơn việc khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện Nông Cống sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật về khoáng sản cho các doanh nghiệp và người dân; vận động nhân dân tích cực đấu tranh, tố giác các hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản trái phép.
Các phòng, ban, ngành cấp huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác phối hợp trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính; phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay khi mới xảy ra.
Vy Linh - Tri ThứcSáng ngày 6/12/2024, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khai trương hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.