Huyện Phong Điền: Quyết tâm bảo vệ 'vùng xanh' và phục hồi kinh tế
Tính đến ngày 23/9/2021, huyện Phong Điền (Cần Thơ) có 138 ca mắc COVID-19, đứng thứ 7/9 quận, huyện tại thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, trong 15 ngày qua số lượng ca mắc mới tại huyện chỉ có 9 ca, trở thành "vùng xanh" an toàn của thành phố. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện cho biết, bằng bất cứ giá nào, huyện cũng quyết tâm "khóa chặt" vùng an toàn này và bắt tay khôi phục kinh tế.
Phóng viên: Bảo vệ vững chắc "vùng xanh" là điều kiện tiên quyết để đưa các hoạt động trở về trạng thái "bình thường mới". Xin ông cho biết, kế hoạch này được huyện thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Trung Nghĩa: Chúng tôi đã thiết lập 5 chốt, tổ kiểm soát để bảo vệ "vùng xanh". Đối với các xã, thị trấn "vùng xanh" giáp ranh với các địa phương (quận Ninh Kiều 2 chốt, quận Bình Thủy 1 chốt, quận Ô Môn 1 chốt, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang 1 chốt) có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao thì mỗi khu vực tiếp giáp thiết lập một chốt kiểm soát, nghiên cứu lắp đặt hàng rào cứng, nếu sử dụng hàng rào mềm thì có phân công cán bộ trực và hạn chế các lối đi vào và lối đi ra; các chốt kiểm soát thường trực 24/24 giờ (một vài điểm có bố trí camera giám sát), ưu tiên bố trí lối đi phù hợp để các phương tiện như: xe cấp cứu, cứu hỏa di chuyển được trong trường hợp khẩn cấp.
Đối với các xã có tuyến quốc lộ đi qua, nhiều tuyến lộ có nhánh rẽ, ngoài việc thiết lập các chốt kiểm soát trung tâm, huyện luôn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền đến người dân trong khu vực hiểu được vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình trong công tác phòng, chống dịch, kịp thời phát hiện, tố giác đối với các đối tượng đến từ địa phương khác hoặc từ vùng dịch trở về để chính quyền địa phương kịp thời xử lý.
Chúng tôi không bố trí lối ra - vào ở những nơi giáp ranh khu phong tỏa, khu cách ly, khu vực có người nhiễm COVID-19. Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra - vào khu vực thuộc "vùng xanh" đều phải phong tỏa cứng, không cho ra - vào cả người và phương tiện.
Đối với lực lượng tham gia bảo vệ "vùng xanh": Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm quyết định huy động lực lượng tại chỗ, gồm: Lực lượng công an, quân sự xã, thị trấn; cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng Đoàn viên thanh niên và các đoàn thể; Trưởng ấp tại khu vực thiết lập "vùng xanh". Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng do UBND xã, thị trấn thành lập, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên (cấp thẻ đeo khi thực hiện nhiệm vụ).
Phóng viên: Để kiểm soát được "vùng xanh", chính quyền thực hiện ra sao? Đối với các trường hợp cung cấp hàng hóa thiết yếu? Các hoạt động y tế, sinh hoạt người dân trong vùng, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Nghĩa: Chúng tôi kiểm soát "vùng xanh" theo nguyên tắc "giữ chặt, kiểm soát nghiêm". Nhân viên giao hàng, cung cấp lương thực, thực phẩm từ bên ngoài vào "vùng xanh" phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, phải có test nhanh hoặc PCR âm tính còn hiệu lực, đồng thời chịu trách nhiệm nếu để lây lan bệnh dịch.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nhà nước phải di chuyển hàng ngày giữa các quận, huyện để làm việc thì được phép ra vào "vùng xanh" nhưng phải có giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp và cam kết trong suốt quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại không dừng, đỗ phương tiện dọc đường và không đi đến các khu vực có liên quan đến bệnh nhân COVID-19 hoặc khu cách ly, phong tỏa.
Đối với công nhân và người lao động thuộc địa phương khác đến thu mua nông sản hoặc làm việc trong các công trình xây dựng trên địa bàn huyện phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR (cho kết quả âm tính) còn hiệu lực trước khi vào. Các trường hợp di chuyển từ nơi cư trú vào khu vực "vùng xanh" phải có kết quả test nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR âm tính còn hiệu lực và có lịch sử dịch tễ trong vòng 14 ngày rõ ràng, không có đến các vùng có dịch hoặc có thời gian cách ly tập trung bên ngoài theo quy định của cơ quan y tế trước khi vào "vùng xanh".
Đối với các hoạt động y tế tại "vùng xanh": Ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân theo quy định. Người dân trong "vùng xanh" phải được xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ theo quy định của y tế hoặc khi có yếu tố dịch tễ. Trường hợp phát hiện có người nghi nhiễm phải nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, tiến hành đưa đi cách ly tập trung bên ngoài "vùng xanh" theo quy định.
Đối với hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu thì chính quyền bố trí phù hợp các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. UBND xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá, đề xuất đăng ký ít nhất 02 điểm mua hàng gần nhất cho người dân trong khu vực "vùng xanh". Lãnh đạo UBND xã, thị trấn nơi có khu vực thuộc "vùng xanh" chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu vực đảm bảo đầy đủ. Đối với những mặt hàng thiết yếu khác: thiết bị gia dụng, thuốc thiết yếu... người dân phải đăng ký để UBND xã, thị trấn tổ chức mua, cung ứng theo yêu cầu.
Phóng viên: Khi "vùng xanh" bị khóa chặt, xã hội trở lại trạng thái "bình thường mới", chính quyền có kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn bàn như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Nghĩa: Để phục hồi kinh tế, huyện Phong Điền đã có kế hoạch từ nay đến cuối năm, thậm chí đến sau ngày 01/01/2022. Trước mắt, chúng tôi chia nhỏ mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021 làm 2 giai đoạn: Từ nay đến 31/10/2021, mục tiêu là phục hồi 100% sản xuất nông nghiệp, các hoạt động công thương nghiệp, dịch vụ thì vừa chống dịch vừa phục hồi dần.
Hiện nay, đã có 508 người lao động thuộc 44 doanh nghiệp đã được tiêm vắc xin mũi 1 đạt 50% trên tổng số lao động. Đang thẩm định phương án sản xuất cho 10 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại với 173 lao động tất cả đều được tiêm vắc xin mũi 1. Huyện đã dần cho hoạt động trở lại việc buôn bán theo hướng cho mở cửa buôn bán tại nhà, lưu động, theo các trục giao thông các mặt hàng thiết yếu (tạp hóa, quán ăn, giải khát) được hoạt động theo phương thức bán mang về không để tập trung đông người và đảm bảo nguyên tắc 5K. Tiếp tục thực hiện mô hình mang chợ ra phố (có kiểm soát người mua bán ra vào chợ thông qua phiếu đi chợ, sổ nhật ký người ra vào chợ), chưa mở cửa hoạt động lại chợ truyền thống.
Giai đoạn từ 31/10 đến cuối năm 2021, lĩnh vực nông nghiệp, toàn huyện tập trung xuống giống lúa vụ Đông Xuân, rau màu, hoa kiểng phục vụ trước trong và sau Tết Nguyên đán 2022. Xây dựng kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng các hình thức như: Đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử; liên kết với các doanh nghiệp; mở dần lại một số vựa trái cây trên địa bàn huyện… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến thu gom, vận chuyển hàng nông sản trên địa bàn huyện.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ: Khôi phục hoàn toàn tất cả các lĩnh vực, hoạt động nêu trên. Trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần nghiêm túc thực hiện tốt các giải pháp của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo hướng áp dụng phương châm "vừa cách ly, vừa sản xuất", "một cung đường, hai điểm đến", "sản xuất đảm bảo 4 xanh". Ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương, quản lý chặt người lao động ngoài địa phương, thực hiện test SARS-CoV-2 cho người lao động ngoài địa phương trước khi sản xuất theo quy định. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị mình.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị cuộc chia sẻ này.
Hồng Ân - Văn DươngVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.