Huyện Phú Lộc: Chính sách GPMB chưa “thấu tình đạt lý” có gây khó dễ cho gia đình chính sách?

Địa phương
05:07 PM 12/04/2021

Mới đây, các ông Trần Tùng và Trần Thanh Long (tổ dân phố số 5, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan liên quan về việc yêu cầu được hỗ trợ tái định cư sau khi bị nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đường nối từ Quốc lộ 1A vào Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế): Chính sách GPMB chưa “thấu tình đạt lý” có gây khó dễ cho gia đình chính sách? - Ảnh 1.

Ông Long bên trong ngôi nhà nơi ông cùng gia đình từng thờ tự tổ tiên, người có công với cách mạng là Cụ Lê Thị Điệp (mẹ ông) và thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng là Cụ Võ Thị Lê (bà ngoại ông).

Nhường đất cho dự án mất chỗ thờ cúng Bà mẹ VNAH?

Theo nội dung đơn, trước đây mẹ đẻ ông Long và ông Tùng là cụ Lê Thị Điệp là chủ sử dụng đất tại thửa đất số 135, tờ bản đồ số 25 diện tích 911m2. Sau này, khi cụ Lê Thị Điệp mất đi có để lại mảnh đất cho các con mình đồng thừa kế. Các ông Long và Tùng vẫn sinh sống, có hộ khẩu riêng từng hộ, xây công trình nhà ở riêng và sử dụng chung thửa đất này.

Tại thời điểm năm 2017, khi UBND huyện Phú Lộc làm giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, để thuận lợi trong việc hoàn thiện hồ sơ giấy tờ, các đồng thừa kế đã viết giấy tờ thỏa thuận cho ông Tùng đứng tên và làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trên thửa đất thời điểm đó, ngoài các tài sản khác, có một ngôi nhà do ông Trần Thanh Long đang quản lý sử dụng, với diện tích 119,8m2. Ông Long sử dụng ngôi nhà này để thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người có công với cách mạng là cụ Lê Thị Điệp (mẹ ông) và thờ cúng cụ Võ Thị Lê (bà ngoại ông) là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng – VNAH (được Phòng Lao động – Thương binh xã hội huyện Phú Lộc xác nhận).

Huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế): Chính sách GPMB chưa “thấu tình đạt lý” có gây khó dễ cho gia đình chính sách? - Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Long bên Bằng truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Khi nhà nước có chủ trương làm Dự án đường nối từ Quốc lộ 1A vào Vườn Quốc gia Bạch Mã, cấp chính quyền có trách nhiệm đã tổ chức họp dân và thông báo thu hồi một phần đất trong thửa đất này để phục vụ dự án. 

Sau khi xác định ranh giới đất để giải phóng mặt bằng (GPMB), từ thửa đất thừa kế có diện tích 911m2 bị tách nhỏ ra thành 2 thửa đất số 462, tờ bản đồ 25 với diện tích 309m2 và thửa đất số 463 với diện tích 105m2 trong đó có 60m2 là đất ở. Còn phần bị thu hồi GPMB cắt ngang qua ngôi nhà ông Long sử dụng là nơi để thờ cúng cụ Võ Thị Lê - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chuyện không có gì đáng nói cho đến khi ông Long, ông Tùng có ý định xây lại căn nhà mới để làm nơi thờ cúng tại thửa đất số 463. Trong cuộc đối thoại tại UBND thị Trấn Phú Lộc ngày 13/8/2020, khi 2 ông có ý kiến đề đạt đến ông Phan Công Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, thì bị từ chối cho phép xây dựng với lý do thửa đất này nằm trong hành lang an toàn giao thông. Cùng lúc này, ông Long và ông Tùng bày tỏ nguyện vọng xin được hỗ trợ nhà ở tái định cư và nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nhưng tiếp tục bị UBND huyện Phú Lộc từ chối.

"Mặc dù người đứng tên thửa đất bị thu hồi GPMB là em trai tôi (ông Trần Tùng-PV), nhưng thực tế việc tôi sinh sống và thờ cúng Bà mẹ VNAH tại thửa đất này đã rất nhiều năm nay. Thậm chí, chính UBND huyện Phú Lộc cũng cấp hộ khẩu riêng lẻ cho tôi tại địa chỉ này. Vì thế, tôi cho rằng tôi hoàn toàn có đủ điều điện để được bố trí tái định cư theo quy định. Việc dự án mở ra khiến người dân như tôi bỗng dưng rơi vào cảnh không nhà cửa, không có chỗ thờ tự Bà mẹ VNAH. Bản thân tôi từng mấy chục năm công tác trong lực lượng quân đội, đến khi về hưu lại rơi vào cảnh không có chỗ ở" – ông Long chia sẻ.

Trên thực tế, người dân còn đất sổ đỏ nhưng không được cấp phép xây nhà. Hơn nữa, khi người dân không còn nơi thờ tự Bà mẹ VNAH, nhưng không được chính quyền địa phương hỗ trợ và trả lời thích đáng. Cực chẳng đã, anh em ông Tùng và ông Long phải làm đơn gửi lên nhiều cơ quan báo chí và các cấp chính quyền để mong nhận được quyền lợi chính đáng của mình.

UBND huyện Phú Lộc cần xử lý "thấu tình đạt lý"!

Liên quan đến nội dung trên, PV đã liên hệ với UBND huyện Phú Lộc và được đơn vị này xác nhận đã nhận được đơn khiếu nại của ông Trần Tùng và Trần Thanh Long.

Huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế): Chính sách GPMB chưa “thấu tình đạt lý” có gây khó dễ cho gia đình chính sách? - Ảnh 3.

Dự án đầu tư đường nối từ Quốc lộ 1A vào Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)

Tại buổi làm việc với PV, ông Phan Văn Trọng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc cho biết: "Qua xem xét đối chiếu hồ sơ, thực tế là nguồn gốc đất thừa kế. Tuy nhiên, năm 2013, khi thực hiện công tác cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ ông Trần Tùng làm văn bản phân chia di sản thừa kế. Theo đó, toàn bộ di sản trong đó gồm tài sản và đất đai đều để lại cho ông Trần Tùng đứng tên. Về mặt pháp lý chủ quyền, tất cả các quyền quyết định chỉ có ông Tùng, không có ông Long. Khi thực hiện kê khai đất đai, tài sản ông Tùng cũng đứng ra kê khai. Căn cứ quy định pháp luật, đối với trường hợp thu hồi với diện tịch còn lại đủ điều kiện để xây dựng nên điều kiện bố trí tái định cư đối với ông Trần Tùng là không đủ điều kiện".

Khi được hỏi: Phía chính quyền có nắm được thực tế việc ông Long là người của địa phương, có hộ khẩu ở tại đây và công trình nhà ở của ông Long vẫn ở để thờ cúng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có trước quy hoạch dự án?

Ông Trọng cho hay: "Về quy định trong quá trình GPMB, đối tượng nằm trong GPMB có quyền kê khai hồ sơ, và căn cứ cơ sở pháp lý. Ở đây, khi GPMB và chưa bàn giao, lãnh đạo huyện cùng các ban ngành cũng đã về có đối thoại. Qua rà soát hồ sơ, các quy định của pháp luật, chủ quyền và quyền sử dụng đất, ông Long không có quyền và đã giao toàn bộ cho ông Tùng đứng tên".

Khi được hỏi về thửa đất số 463 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được cấp phép xây dựng, ông Trọng cho biết "Theo quy định của nhà nước, đối với những trường hợp công trình giải phóng mặt bằng, phần diện tích còn lại không đủ điều kiện để xây dựng, thì hộ gia đình làm đơn gửi các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết, chúng tôi cũng chưa nhận đơn hay đề xuất liên quan của ông Tùng. Nếu có đơn gửi các cơ quan nhà nước sẽ xem xét giải quyết".

Được biết, sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, ngày 5/10/2020 ông Long nhận được thông báo số 4408 của UBND huyện Phú Lộc về việc chính quyền huyện này không thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Long với lý do ông Long không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người khiếu nại.

Vậy, như lời ông Trọng nói thì chính quyền nơi đây nắm rõ về việc ông Long sinh sống và thờ tự Bà mẹ VNAH trên địa bàn được chính quyền công nhận và cấp sổ hộ khẩu riêng. Tuy nhiên không hiểu vì sao những vị lãnh đạo này vẫn cố tình hiểu rằng ông Long không có liên quan và gạt ông Long ra ngoài nội dung khiếu nại. Phải chăng chính quyền nơi đây có đang cứng nhắc trong công tác nghiệp vụ hay không? Thiết nghĩ UBND huyện Phú Lộc cần có cách xử lý vừa thấu tình mà lại đạt lý!

Huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế): Chính sách GPMB chưa “thấu tình đạt lý” có gây khó dễ cho gia đình chính sách? - Ảnh 4.

UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tiếp đó, ngày 20/10/2020 ông Long nhận được văn bản số 109/ĐĐBQH-VP thông báo về việc đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận và chuyển đơn của ông Long tới UBND huyện Phú Lộc yêu cầu xem xét giải quyết đơn và báo kết quả cho đoàn ĐBQH. Ngay sau đó, UBND huyện Phú Lộc lập tức ra thông báo số 4693/UBND-NC gửi phòng Tài nguyên và Môi trường về việc tham mưu giải quyết đơn của ông Trần Thanh Long.

"Thời điểm hiện tại, tôi đã nhận được nhiều văn bản thông báo về việc chuyển đơn kiến nghị của mình tới các cơ quan chức năng liên quan. Bên cạnh đó tôi cũng đã nhận được văn bản trả lời đơn của UBND huyện Phú Lộc. Tuy nhiên tôi không đồng tình với nội dung trong văn bản trả lời của UBND huyện Phú Lộc, suốt nhiều tháng qua tôi chưa hề nhận được lời mời làm việc trực tiếp nào từ phía UBND huyện Phú Lộc. Không hiểu dựa vào đâu họ tự đơn phương kiết luận vụ việc khi chưa làm việc và lắng nghe ý kiến của tôi một cách khách quan" – ông Long bức xúc.

Do đó, để đòi lại quyền lợi của mình, ông Long tiếp tục làm đơn gửi lên Thanh tra Chính phủ với mong muốn nhận được câu trả lời thích đáng. Ngày 25/1/2021, Ban tiếp công dân TW – Thanh tra Chính phủ đã có công văn số 229/BTCDTW-TD1 gửi UBND huyện Phú Lộc để chuyển nội dung đơn của ông Long yêu cầu chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, giải quyết và trả lời công dân.

Từ đó đến nay, ông Long vẫn đang chờ một buổi làm việc chính thức với UBND huyện Phú Lộc để nhận được một câu trả lời thỏa đáng.

Trước sự việc trên đề nghị các cơ quan chức năng liên quan như, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND huyện Phú Lộc vào cuộc kiểm tra xử lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và an sinh xã hội cho người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Thành Lâm
Ý kiến của bạn