Huyện Phúc Thọ đạt kết quả cao trong công cuộc xây dựng nông thôn mới

Địa phương
11:54 AM 28/08/2022

Trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tiếp tục nâng cao các tiêu chí của xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch gắn với phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, đẩy mạnh triển khai các cụm công nghiệp làng nghề…

Với bề dày lịch sử lâu đời 200 năm xây dựng và phát triển, sau hơn mười năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (2010-2020), kinh tế huyện Phúc Thọ tăng trưởng khá, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,2%/năm; tổng giá trị sản xuất ước đạt 12.541 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Toàn bộ 20/20 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

photo-1669696815018

Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa, 100% đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm đã được bê tông hóa và đạt chuẩn theo quy định. Đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 62 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 5 lần so năm 2010).

Đáng chú ý, giai đoạn 2010-2020, tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện là 4.028 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp là 1.114 tỷ đồng, chiếm gần 30%. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp.

Ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ, tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tháng 11/2021, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020".

Nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Phúc Thọ cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với thúc đẩy chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội…

Những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Phúc Thọ sẽ là nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương những năm tiếp theo.

Xây dựng nông thôn mới tại huyện Phúc Thọ theo hướng nâng cao, kiểu mẫu

photo-1669696816767

Việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm trong thời gian qua đã được lãnh đạo huyện Phúc Thọ quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo đúng hướng.

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng đã đề ra phương hướng: Xây dựng nông thôn mới của thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Những nội dung tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ là định hướng quan trọng để huyện Phúc Thọ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhận định, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, huyện Phúc Thọ cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, cùng với việc không ngừng nâng cao các tiêu chí của xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Phúc Thọ cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch gắn với phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, đẩy mạnh triển khai các cụm công nghiệp làng nghề; xây dựng các khu, vùng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh xứng tầm với điều kiện, lợi thế của địa phương.

Huyện cần xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế của huyện và các xã; chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp "sạch", nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa…, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội.

Phúc Thọ tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, năng động, sáng tạo, vì sự nghiệp chung; tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để nhân dân được tham gia đóng góp và trực tiếp thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh..., đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân…

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phúc Thọ là vành đai xanh, hành lang xanh của thành phố và cụ thể hóa các mục tiêu của Đại hội đại biểu lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện, Phúc Thọ quyết tâm xây dựng huyện thành vành đai xanh, vùng quê trù phú và đáng sống.

* Văn phòng Nông thôn mới Hà Nội đồng hành cùng bài viết này!

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.