Huyện Phúc Thọ: Mở hướng đi cho du lịch nông nghiệp
Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đã và đang đầu tư vào lĩnh vực du lịch, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch nông nghiệp, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của địa phương.
Phúc Thọ là huyện đồng bằng Bắc Bộ thuộc ngoại thành Hà Nội, một mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng. Nơi đây cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn của vùng đất xứ Đoài, tiêu biểu như rau muống Linh Chiểu, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, tương nếp xã Tam Hiệp…
Vùng đất Phúc Thọ còn có hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú có thể kết hợp với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện còn có các làng nghề truyền thống kết hợp thăm quan du lịch đang được kết nối, tập trung phát triển đúng hướng.
Huyện được thành phố Hà Nội quy hoạch khu sinh thái ven sông Hồng, sông Đáy, có điểm du lịch văn hóa - lịch sử đền Hát Môn. Khu vực xung quanh có rất nhiều điểm du lịch văn hóa, danh thắng ở các huyện, thị xã tạo nên chuỗi các điểm du lịch phục vụ khách thăm quan. Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc cơ bản thuận lợi là tiềm năng để kết nối trong vùng nhằm hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện.
Để có thể tận dụng những lợi thế của mình, trong chiến lược phát triển nông nghiệp địa phương, huyện Phúc Thọ đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, chú trọng du lịch trải nghiệm. Thực hiện chủ trương của huyện, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn đã tham gia xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp phát triển khá nhanh, với nhiều sản phẩm có sức hút. Một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đã trở thành thương hiệu, một số mô hình kinh doanh du lịch kết hợp khai thác nông nghiệp đã thành công, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trên thực tế, nhiều nông dân trong huyện bắt đầu có góc nhìn đổi mới về du lịch. Thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, họ có thể bán được nông sản với giá trị cao. Nhờ nguồn thu từ phát triển dịch vụ du lịch, giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất của bà con nông dân tăng lên rất nhiều. Điều này đã và đang khiến cho nông thôn vùng đất xứ Đoài cũng có cơ hội khoác lên mình diện mạo tươi mới hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm trong thời gian qua đã được huyện quan tâm và đưa vào những Nghị quyết, chính sách, định hướng quan trọng. Những sản vật tại các vùng sản xuất tập trung, các trang trại, gia trại, nhà vườn, hợp tác xã trên địa bàn Phúc Thọ đã cuốn hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình sản xuất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Đồng thời, để xây dựng du lịch nông nghiệp thành những điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, huyện đã có những chỉ đạo sát sao để các địa phương và các cơ sở kinh doanh đầu tư và quy hoạch bài bản, đảm bảo tính bền vững. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo quy chuẩn, tạo sự kết nối giữa các điểm, thực hiện tốt công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá dịch vụ sản phẩm…
"Phúc Thọ cũng đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, khai thác lợi thế đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Huyện đang xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và mời gọi các công ty du lịch phối hợp đưa khách du lịch về tham quan các địa điểm di tích lịch sử văn hóa, tham quan làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm", ông Nguyễn Đình Sơn cho biết.
Cùng với việc phát triển du lịch nông nghiệp, những năm gần đây, nắm bắt được tiềm năng và xu hướng mới của việc tận dụng thế mạnh của các loài hoa để phát triển du lịch nông nghiệp; với mục tiêu biến hoa trở thành tài nguyên du lịch, huyện Phúc Thọ tập trung vào phát triển du lịch chuyên đề hoa. Đây là chiến lược được hoạch định nhằm tận dụng thế mạnh của nghề trồng hoa, cây cảnh và nâng tầm thương hiệu cho các vùng sản xuất chuyên canh tập trung và các khu sinh thái chuyên đề hoa trên địa bàn Phúc Thọ.
Lãnh đạo huyện khẳng định việc phát triển các khu du lịch chuyên đề hoa trên địa bàn nhằm khai thác các giá trị thanh bình trong không gian sống, cảnh quan môi trường hiền hòa, xanh - sạch - đẹp với vườn tược được chỉnh trang sạch sẽ, những loài hoa đặc trưng của Hà Nội được trồng, cắt tỉa đẹp mắt… Những vườn sinh thái trồng hoa làm du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện đang hướng tới mục tiêu chinh phục những tâm hồn yêu hoa và yêu du lịch trải nghiệm. Đồng thời, chú trọng phát triển các dịch vụ kèm theo như ăn uống, nghỉ ngơi, lưu trú, sinh hoạt tại các khu sinh thái để tăng nguồn thu cho cư dân nông thôn.
Dù phát triển du lịch chuyên đề hoa là hướng đi mới rất được ủng hộ, song các chủ trang trại, nhà vườn triển khai thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn, chưa xứng với tiềm năng. Nhiều điểm đến, nhiều khu sinh thái được đầu tư bài bản, chủ đầu tư tâm huyết làm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái chuyên đề hoa thì lại gặp vô vàn khó khăn. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Đức Minh - chủ nhân Khu du lịch sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ). Ông Minh tâm sự rằng, sau gần 10 năm thai nghén chuẩn bị, cần mẫn gây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan cho khu sinh thái, đến năm 2019, Khu du lịch sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay chính thức đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, các hoạt động giãn cách xã hội khiến lượng khách tới tham quan Khu sinh thái thưa thớt. Hiện tại, những thông tin về dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội,… càng khiến trang trại của ông Nguyễn Đức Minh càng đìu hiu, vắng vẻ. Nhìn hàng vạn gốc hồng và hàng trăm loài hoa khoe sắc mà không có du khách đến ngắm, thật sự rất chua xót.
Không dừng lại ở đó, hiện tại ông Nguyễn Đức Minh đang phải dỡ bỏ hàng loạt các công trình phụ trợ, các điểm vọng cảnh theo yêu cầu từ phía chính quyền. Điều này khiến Khu du lịch sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay khó khăn càng chồng chất khó khăn. Không còn các điểm phụ trợ, các điểm vọng cảnh, viễn cảnh vực lại trang trại hoa của ông dường như đang tan biến? Du khách nào có thể tới thăm một trang trại ngổn ngang công trình đang phá dỡ? Liệu có tương lai nào cho một trang trại hoa, khi mà khách du lịch tới thăm chỉ có thể chụp hoa rồi về, họ muốn dừng chân ngắm cảnh ven sông, muốn được thưởng thức chén trà, thưởng thức đặc sản vùng miền, chủ trang trại cũng không thể đáp ứng, do đã phá bỏ toàn bộ những điểm vọng cảnh, các công trình cung ứng dịch vụ?
Ông Nguyễn Đức Minh tâm sự "Đã có lúc tưởng chừng sẽ buông tay, do áp lực kinh tế, áp lực nhiều phía, nhưng tôi luôn dằn lòng, đau đáu khát khao đưa Phúc Thọ Hoa Bay trở thành điểm nhấn du lịch cho vùng quê còn hoang sơ của mình. Chỉ mong sao có một "cánh cửa thần kỳ" vào lúc này, để tôi có thể mở ra, tìm hướng đi cho Khu sinh thái vốn là tâm huyết cả đời của mình".
Trường hợp của Khu du lịch sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay chỉ là một trong những minh chứng cho việc doanh nghiệp muốn phát triển du lịch trải nghiệm, đặc biệt là du lịch chuyên đề hoa, thật sự vô cùng khó khăn. Vì vậy, rất mong các cơ quan quản lý của huyện Phúc Thọ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, có nhiều động thái mở lối, hỗ trợ và khuyến khích các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đã và đang đầu tư vào lĩnh vực du lịch, huyện Phúc Thọ sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của địa phương.
PVMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.