Huyện Quản Bạ: Nhiều cách làm hay nhằm bài trừ hủ tục

Địa phương
09:15 AM 08/12/2022

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy về bài trừ hủ tục trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo làm chuyển biến nhận thức, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống nhân dân.

Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo

Để cụ thể hóa Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy, Huyện ủy Quản Bạ đã ban hành Đề án số 16-ĐA/HU về bài trừ hủ tục trên địa bàn huyện; UBND huyện đã ban hành các văn bản triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị số 09-CT/TU, Nghị quyết 27-NQ/TU và Đề án số 16-ĐA/HU. Đồng thời, ban hành Chương trình hành động, kế hoạch số 276/KH-UBND, ngày 18/10/2021 về việc tuyên truyền, vận động nhân dân bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và trong đời sống sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Quản Bạ giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2022 đã ban hành các văn bản về việc thành lập Ban tang lễ tại các xã, thị trấn; triển khai thực hiện mô hình "Hội nghệ nhân dân gian" giai đoạn 2021-2025; phát động phong trào "Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Quản Bạ" giai đoạn 2022 - 2025.

Quản Bạ - Hà Giang: Nhiều cách làm hay nhằm bài trừ hủ tục  - Ảnh 1.

Cán bộ huyện Quản Bạ tuyên truyền, vận động Nhân dân bài trừ hủ tục.

Nhờ sự chỉ đạo tập trung và quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã huy động được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia vào bài trừ hủ tục. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như: thông qua các hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, tổ dân phố, chợ phiên, qua các trang thông tin điện tử, kênh phát thanh địa phương… UBND huyện đã chỉ đạo 13 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã; ra mắt điểm Ban Tang lễ tại thôn Khủng Cáng xã Nghĩa Thuận và nhân rộng thành lập Ban Tang lễ ra 107 thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phối hợp với Huyện đoàn tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu vùng đồng bào DTTS huyện Quản Bạ năm 2022" (xây dựng video, clip, phóng sự…) với 14 đội thi thuộc 14 cơ sở đoàn tham gia hưởng ứng; các video, phóng sự tham gia dự thi được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân. Trung tâm Chính trị huyện mở 3 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng; kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận của Đảng; tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quản Bạ năm 2022, với 171 học viên là cán bộ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham gia. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 3 lớp giao tiếp tiếng Mông cho cán bộ trên địa bàn huyện. Nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên góp phần tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân việc thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, Nghị quyết 27-NQ/TU và Đề án số 16-ĐA/HU.

Huyện Quản Bạ đã phối hợp với Sở VH,TT&DL tổ chức Hội thi tìm hiểu về Luật phòng, chống bạo lực gia đình; hôn nhân gia đình góp phần bài trừ hủ tục năm 2022, có sự tham gia của 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các đội thi đã xây dựng nhiều tiểu phẩm hay, truyền tải được các nội dung phong phú, dễ hiểu, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về xoá bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, phối hợp mở lớp học Nghệ thuật múa và thổi khèn Mông cho 25 học viên tại 5 xã: Lùng Tám, Thái An, Bát Đại Sơn, Cán Tỷ, Đông Hà để phục vụ các nghi lễ trong đám tang.

Liên đoàn Lao động huyện triển khai đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn xây dựng bản cam kết cá nhân trong thực hiện việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, Nghị quyết số 27-NQ/TU, Đề án số 16-ĐA/HU. Tổ chức được 35 cuộc hội thảo, mạn đàm với hơn 4.000 người nghe. Tại các buổi hội thảo, mạn đàm, Đảng ủy các xã, thị trấn đã thực hiện công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời có một số cơ chế đặc thù hỗ trợ các hộ thực hiện; đại biểu tham gia hội nghị đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm cách làm hay, hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường công tác giám sát đối với Đảng bộ và đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý về công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU. Qua đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã thi hành kỷ luật vi phạm đối với 2 đảng viên là cán bộ lãnh đạo xã Bát Đại Sơn, có con tảo hôn, trong việc chấp hành các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình.

Chuyển biến mới trong đời sống nhân dân

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, với phương châm "mưa dầm thấm lâu" đa số nhân dân đã có nhận thức tích cực, ý thức chấp hành quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố về thực hiện xóa bỏ hủ tục trong việc tang. Ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa một số hủ tục từng bước được xoá bỏ như: Giảm thiểu việc ăn uống dài ngày, giảm tình trạng mổ trâu, bò, nghi lễ cầu kỳ mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Mông, việc tổ chức tang lễ có những chuyển biến theo hướng văn minh, tiến bộ. Đến nay đã có 13/14 dòng họ thực hiện việc đưa người chết vào áo quan; một số dòng họ thực hiện tốt như: Dòng họ Sùng, Giàng, Mua, Lò, Vù, Vàng, Hầu, Ly ở xã Nghĩa Thuận; dòng họ Lò, Hầu, Cháng, Giàng, Ma, Ly, Vàng, Vù ở Đông Hà; dòng họ Vàng, Sùng, Thào, Giàng, Ly ở xã Tả Ván… Cơ bản các đám tang không kéo dài quá 48 tiếng, không giết mổ quá 1 con gia súc.

Các hủ tục trong việc cưới của đồng bào các dân tộc như: Tục thách cưới cao đã giảm; tục ép hôn, gả bán hầu như không còn ở đa số các dân tộc; đặc biệt dân tộc Mông cơ bản đã xóa bỏ được tục kéo vợ; các nghi lễ tổ chức đám cưới đã được giảm bớt, tiết kiệm ở một số nơi. Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Quản Bạ, Viên Thị Mai Lan chia sẻ: "Nếu trước đây đám cưới ăn uống kéo dài 2 đến 3 ngày, hiện nay chỉ ăn 1 bữa chính; cơ bản đã bỏ tục ép rượu khi đón dâu. Đối với dân tộc Dao đã giảm tục xin dâu từ 3 ngày 3 đêm xuống còn 1 ngày, đã bỏ được tục uống rượu quỳ, không còn tình trạng thách cưới cao; dân tộc Bố Y tổ chức lễ dạm ngõ ăn uống từ 2 đến 3 bữa xuống còn 1 bữa trước khi tổ chức cưới… Các cặp kết hôn trong độ tuổi đã thực hiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Tình trạng tảo hôn có chiều hướng giảm dần. Nếu năm 2021 có 20 cặp tảo hôn thì đến năm 2022 đã giảm xuống còn 10 cặp. Trong đám cưới cơ bản được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, lịch sự, văn minh, không gây lãng phí, không ép rượu trong lễ cưới".

Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện như: Lễ hội Gầu tào, Lễ hội bắt cá, lễ hội làng nghề thêu dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông, lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, lễ hội cúng rừng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông… được tổ chức với nội dung phong phú, lành mạnh, vui vẻ, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Trong các lễ hội không còn tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, vụ lợi, hoạt động bói toán, mê tín...

Đi cùng với chuyển biến trong đời sống tinh thần, huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con thay đổi thói quen sinh hoạt trong sản xuất bằng việc triển khai thực hiện mỗi xã xây dựng một khu dân cư kiểu mẫu. Theo đó, huyện hỗ trợ các gia đình làm điểm 5 triệu đồng/hộ để di dời chuồng trại ra xa nhà, duy trì nhà cửa sạch sẽ, có nhà vệ sinh, nhà tắm, chuồng trại hợp vệ sinh, khuyến khích các hộ trong khu dân cư kiểu mẫu thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, nhà sạch vườn đẹp... UBND huyện triển khai thực hiện Đề án cải tạo chuồng trại chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường theo phương án 3 (xây hố phân có mái che và tách phân riêng, nước tiểu riêng), để đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, hơn nữa bà con có thể tận dụng được nguồn phân để làm phân bón cho cây trồng. Trong năm 2022 đã có 251 hộ đăng ký thực hiện ở 13 xã, thị trấn.

Với sự vào cuộc, lãnh, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả tích cực. Qua đó, bà con các dân tộc đã có nhiều thay đổi trong đời sống tinh thần, sinh hoạt, sản xuất… tiến tới xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Mộc Trà
Ý kiến của bạn