Huyện Quan Sơn: Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng bền vững
Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là loại du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Trong thời gian tới với mục tiêu phát triển bền vững, địa phương cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích để du lịch cộng đồng phát triển.
Huyện Quan Sơn có 4 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, nhất là các lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, nghề truyền thống… Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm: Khu di tích lịch sử cầu Phà Lò và Di tích văn hóa Tư Mã Hai Đào. Bên cạnh đó, huyện còn có lễ hội Mường Xia đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; những nếp nhà sàn cùng với ẩm thực phong phú với nhiều món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu gần gũi, có sẵn của núi rừng.
Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống, huyện Quan Sơn còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng như hang Bo Cúng, hang Pha Khua… Ngoài ra, còn có hệ thống thác nước như Cánh Đăng (bản Ngàm), Sa Van (bản Pa), thác Ma Hao (bản Din)… Đặc biệt, động Bo Cúng ở bản Chanh, xã Sơn Thủy đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.
Thời gian gần đây, huyện Quan Sơn đã phát hiện thêm một ngách mới trong động với vẻ đẹp kỳ vĩ, nguyên sơ có rất nhiều nhũ đá lấp lánh với hình thù đẹp mắt và thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023 động Bo Cúng đã đón hơn 15.000 lượt du khách…
Những giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng là "bệ đỡ" quan trọng để huyện Quan Sơn phát triển du lịch. Vì vậy, nhiều năm qua cùng với việc quảng bá các tiềm năng phát triển du lịch, công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch luôn được huyện quan tâm. Huyện đã chỉ đạo các xã có tiềm năng phát triển du lịch giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc thành lập, duy trì hoạt động của các đội văn nghệ dân gian; tiếp tục khôi phục, phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan cót…
Tại bản Ngàm, xã Sơn Điện, những năm gần đây bà con đã có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để đạt được điều này, bản Ngàm luôn chú trọng tới việc tuyên truyền, vận động giới trẻ tham gia tập luyện các điệu múa, làn điệu dân ca; thành lập đội văn nghệ để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, vừa biểu diễn phục vụ khách du lịch. Người dân trong bản cũng được huyện và xã tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch.
Chủ tịch UBND xã Sơn Điện Phạm Nhật Quang cho biết: Những năm qua xã Sơn Điện luôn quan tâm việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch. Nhận thấy bản Ngàm có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, xã đã khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch. Hiện bản có 20 hộ làm du lịch cộng đồng.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn Lê Văn Thơ cho biết: Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống từ nhà ở, trang phục đến đời sống sinh hoạt thường ngày. Đây là yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Thời gian qua, việc xây dựng các đội văn nghệ quần chúng làm tiền đề để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng luôn được huyện quan tâm. Đến nay các xã trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ quần chúng.
Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 8.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 2.500 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 6.870 triệu đồng. Để đạt được mục tiêu này, huyện Quan Sơn sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các đề án du lịch đã được tỉnh phê duyệt như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp cùng với huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với quảng bá du lịch…
Thiết nghĩ, trong thời gian tới cùng với việc đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư… huyện nên tạo điều kiện thuận lợi để các nhà quản lý, người dân có cơ hội tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu trong và ngoài tỉnh để phát huy nội lực tại chỗ. Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý từ huyện đến cơ sở; tổ chức các hoạt động khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia du lịch nhằm định hướng thị trường, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp. Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản và bền vững, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh./.
Triều NguyệtCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.