Huyện Quang Bình: Đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang hiện nay có 513 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương , sự chỉ đạo sát sao của BCĐ chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể các cấp nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác ATVSTP hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được huyện triển khai bằng nhiều giải pháp như: chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp về ATVSTP để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Công tác tuyên truyền ATVSTP thường xuyên được Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền hướng dẫn về phòng, chống ngộ độc thực phẩm do nấm, rau rừng, quả rừng, bột ngô mốc…Hướng dẫn cách chọn lựa thực phẩm an toàn, khuyến khích người dân chủ động lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng các mặt hàng không có nguồn gốc, xuất xứ và các mặt hàng không đủ điều kiện ATVSTP.
Để tăng cường công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn, TTYT huyện thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất trong những ngày lễ, tết và các sự kiện của huyện. Trung tâm phối hợp với Đội Quản lý thị trường, công an… tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi mua, bán, tiêu thụ các sản phẩm không đủ điều kiện ATVSTP và không cho các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không đảm bảo ATVSTP hoạt động, gây nguy hiểm đến sức khỏe của người dân… Thường xuyên giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, phát hiện sớm nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời.
Giám đốc TTYT huyện Quang Bình, ông Hoàng Văn Luân cho biết: Trong tháng An toàn thực phẩm năm nay, đoàn kiểm tra của huyện đã tiến hành kiểm tra 29 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận đa số các nhà hàng đều lựa chọn kỹ càng thực phẩm, rau được chọn mua từ bà con nông dân trồng theo quy trình, tiêu chuẩn Viet GAP đảm bảo an toàn; các thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng… đều đặt ở các cơ sở chăn nuôi có uy tín, không có các chất tăng trưởng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các vật dụng chế biến thức ăn được vệ sinh sạch sẽ, sát khuẩn thường xuyên.
Tuy nhiên, có một số ít cơ sở vẫn chưa tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm như khu vực sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh, người tham gia sản xuất chưa được tập huấn kiến thức, thực phẩm không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ…Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã đề nghị các cơ quan chức năng xử lý tạm dừng hoạt động 1 cơ sở sản xuất bánh mỳ do ông Nguyễn Hữu Kiệm làm chủ tại thôn Chang, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình do vi phạm các điều kiện về ATTP. Phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh xử phạt 2 cơ sở kinh doanh thực phẩm do ông Nguyễn Ngọc Long làm chủ đã vi phạm các điều kiện ATTP với số tiền xử phạt là 2.000.000đ; cơ sở do ông Vũ Quang Thành kinh doanh hàng quá hạn sử dụng và hàng không rõ nguồn gốc số tiền xử phạt là 1.600.000đ tại thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình.
Ông Hoàng Văn Luân, Giám đốc TTYT huyện Quang Bình trăn trở: Mặc dù các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, nhưng hiện lực lượng mỏng, thiết bị thiếu. Đội ngũ làm công tác ATTP cấp xã, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa đủ năng lực để kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về ATTP. Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện còn thấp nên việc kiểm soát chưa được triệt để, "một cây làm chẳng lên non". Vì vậy để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, chính quyền địa phương, tiểu thương, người dân…
Về phía TTYT huyện Quang Bình, theo Giám đốc Hoàng Văn Luân, không chỉ trong tháng VSATTP mà thời gian tới đơn vị sẽ thường xuyên phối hợp với các đoàn liên ngành của huyện liên tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể trường học… Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATVSTP để không cho thực phẩm bẩn, kém chất lượng len lỏi vào đời sống của người dân. Đội ngũ cán bộ Trung tâm y tế thôn, bản cũng sẽ thường xuyên được tham gia tập huấn các lớp đào tạo kỹ năng nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền viên để các cơ sở kinh doanh đều chấp hành tốt các điều kiện ATVSTP và mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông thái.
Phương LoanCác chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ.