Huyện Quốc Oai: Dấu ấn từ chương trình OCOP

Địa phương
02:59 PM 13/08/2022

Thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2019 đến nay. Sau gần 4 năm triển khai và thực hiện, huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) đã đạt được một số kết quả khá ấn tượng với 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó có 49 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao và 24 sản phẩm của 15 chủ thể đăng ký tham gia dự thi năm 2022 đã được hội đồng chấm sản phẩm OCOP đánh giá, phân hạng, 7 sản phẩm đang được hội đồng thành phố thẩm định đánh giá.

Quốc Oai là một huyện nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có hai tuyến giao thông trọng yếu chạy qua là đường Láng - Hòa Lạc và đường Hồ Chí Minh nên có nhiều lợi thế phát triển đô thị và công nghiệp. Quốc Oai hiện có 21 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 1 Thị trấn Quốc Oai và 20 xã là: Phú Mãn, Phú Cát, Hòa Thạch, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Liệp Tuyết, Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ, Cấn Hữu, Nghĩa Hương, Thạch Thán, Đồng Quang, Sài Sơn, Yên Sơn, Phượng Cách, Tân Hòa, Tân Phú, Đại Thành, Cộng Hòa, Đông Xuân.

Những kết quả đạt được từ chương trình OCOP

Huyện Quốc Oai hiện có 101 làng nghề, trong đó có 17 làng nghề truyền thống. Năm 2019, Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện đã có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 4 chủ thể, gồm có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao;

Năm 2020, có 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 11 chủ thể tham gia, gồm có 28 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao.

Năm 2021, có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 11 chủ thể tham gia, gồm có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao.

8 tháng đầu năm 2022, có 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 15 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng.

Để đạt được kết quả như trên là một sự nỗ lực rất nhiều của cá nhân, tập thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã và đang đồng hành cùng chương trình để đạt được kết quả tốt nhất.

Huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội)
Dấu ấn từ chương trình OCOP - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Trang, Chuyên viên phòng Kinh tế, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Đức Hiếu

Những hỗ trợ cho chủ thể nhằm phát triển sản phẩm OCOP

Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Trang, chuyên viên phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Trong những năm qua, phòng Kinh tế huyện đã hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình OCOP hoàn thiện sản phẩm như: Hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc (QR code) cho các đơn vị tham gia chương trình OCOP;

Tư vấn cho các cơ sở tham gia chương trình OCOP hoàn thiện mẫu mã bao bì nhãn mác, website và logo cho sản phẩm;

Phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm cho các cơ sở có sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Hỗ trợ, tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP trên địa bàn huyện tham gia triển lãm bán hàng tại các hội chợ. Hỗ trợ tham gia chương trình ngày hội Livestream Đặc sản OCOP Hà Nội do Văn phòng điều phối nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức;

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP được liên kết với các nhà phân phối trên cả nước để tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội)
Dấu ấn từ chương trình OCOP - Ảnh 2.

Cửa hàng thực phẩm sạch Phủ Quốc Oai, địa chỉ: 127 tổ dân phố Phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, TP. Hà Nội. Nơi trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP và sản phẩm chất lượng. Ảnh: Đức Hiếu

Phối hợp với Sở Công Thương rà soát, lựa chọn điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP thành phố. Qua đó đã lựa chọn được 02 địa điểm để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là: Cửa hàng thực phẩm sạch Phủ Quốc Oai, địa chỉ: 127 tổ dân phố Phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, TP. Hà Nội. Cửa hàng kinh doanh thực phẩm Hợi Thương ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn. Đến thời điểm hiện nay cả 2 cửa hàng đều đang hoạt động rất có hiệu quả.

Đây cũng là địa điểm giới thiệu, quảng bá, kết nối và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP trên địa bàn huyện, thành phố và các tỉnh, thành trên cả nước. Với nhiều mặt hàng, mẫu mã đa dạng, chất lượng được kiểm định an toàn thực phẩm.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Cửa hàng thực phẩm sạch Phủ Quốc Oai rát phong phú và bao bì, mẫu mã khá bắt mắt người tiêu dùng. Ảnh: Đức Hiếu

Năm 2022, sau khi rà soát, huyện Quốc Oai đã đăng ký  và với sở Công Thương thành phố Hà Nội để phát triển thêm 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của thành phố tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai.

Hỗ trợ, tổ chức cho 03 chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia Hội thảo "Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội"; 02 chủ thể OCOP tham gia Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố Hà Nội năm 2022 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức.

Tiếp tục phối hợp với Công ty Sông Đà Kinh Bắc (là đơn vị tư vấn) hỗ trợ các chủ thể tiến hành rà soát, hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022.

Huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội)
Dấu ấn từ chương trình OCOP - Ảnh 4.

Cửa hàng kinh doanh thực phẩm Hợi Thương ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn.

Một số khó khăn còn tồn tại và phương hướng phát triển trong thời gian tới

Ngoài những kết quả đạt được trong thời gian qua thì vẫn còn một số tồn tại như: Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện chưa quan tâm, chưa hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình OCOP. Cho dù đã được tư vấn, Phòng Kinh tế tuyên truyền hướng dẫn nhưng số lượng các đơn vị tham gia chương trình vẫn còn hạn chế.

Nguồn kinh phí để triển khai cho Chương trình OCOP của huyện vẫn còn hạn chế, nên chưa hỗ trợ hết được các sản phẩm tiềm năng của huyện dẫn đến nhiều sản phẩm có chất lượng nhưng cũng không thể tham gia được chương trình; Những cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện cũng không được hỗ trợ khi mở cửa hàng; Việc cấp bản cam kết bảo vệ môi trường còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục cấp giấy đòi hỏi nhiều tiêu chí.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Phòng Kinh tế tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn, UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát nhằm phát hiện ra các sản phẩm có chất lượng, tiềm năng OCOP để hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để giúp cho các đơn vị tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cho các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Đề xuất và kiến nghị UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền của trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn huyện để nhân dân nắm bắt và hiểu được tầm quan trọng của chương trình OCOP; Phòng Tài nguyên và môi trường hỗ trợ các chủ thể tham gia đánh giá chương trình OCOP của huyện về lập kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường.

Phòng cũng đề nghị UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí để thành lập mới các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng như duy trì các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được thành phố công nhận.

Qua những kết quả đã đạt được từ Chương trình OCOP của huyện Quốc Oai, mong rằng trong thời gian tới huyện Quốc Oai tiếp tục tìm kiếm và phát hiện nhiều hơn nữa những sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Quỳnh Vi
Ý kiến của bạn