Huyện Qùy Hợp: Nhức nhối nạn khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép

Địa phương
12:52 PM 18/01/2021

Nhiều năm nay, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) là một trong những điểm nóng của tình trạng khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép ở miền núi Tây Nghệ An. Điều đáng lo ngại là thực trạng này ngày càng diễn ra phức tạp với đủ loại hình từ công khai đến bán công khai.

Theo phản ánh của người dân địa phương, nhóm phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã nhiều lần tiếp cận hiện trường và thực tế địa bàn. Tình trạng khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép, chủ yếu là tài nguyên đá đã từng được nhóm phóng viên phản ánh trong bài viết "Nghệ An: Giải pháp nào cho nạn khai thác đá không phép?"

Qùy Hợp (Nghệ An): Khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép – trên nóng, dưới lạnh. - Ảnh 1.

Phóng viên tiếp cận những điểm đá cảnh tại xã Nghĩa Xuân đang bị khai thác trái phép.

Sau mỗi bài phản ánh, tình hình khai thác và vận chuyển đá trái phép tại các xã đã được UBND huyện Qùy Hợp vào cuộc và xử lý. 

Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, đâu lại vào đó. Đặc biệt, tại mỗi địa điểm diễn ra tình trạng khai thác đá trái phép, đều được đầu tư quy mô từ xe cẩu đến xe tải đầu kéo, có người canh gác và bảo vệ vòng ngoài, vòng trong một cách có hệ thống. Nhức nhối hơn, tình trạng xâm phạm, khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày càng ngang nhiên có dấu hiệu coi thường pháp luật. Thậm chí, phóng viên cũng đã bị dọa dẫm, "thị uy" khi tác nghiệp tại hiện trường.

Tuy nhiên, theo sự quan sát của phóng viên và diễn biến thực tế tại hiện trường thì lực lượng chức năng cấp xã có phần "ngó lơ" trước tình trạng này. Dù phóng viên đã nhiều lần thiện ý phản ánh, cung cấp thông tin để có sự vào cuộc kịp thời, nhưng rất khó để liên lạc với lực lượng chức năng cấp xã.

Cụ thể, vào khoảng hơn 16h ngày 15/1/2021, nhóm phóng viên tiếp cận hiện trường tại xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp phát hiện có phương tiện từ xe cẩu đang vận chuyển đá cổ thạch trái phép sang xe đầu kéo BKS 36C 147.85 kéo theo rờ móc 36R.007.76.

Qùy Hợp (Nghệ An): Khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép – trên nóng, dưới lạnh. - Ảnh 2.

Xe đầu kéo đang ngang nhiên bốc khoáng sản trái phép tại xã Nghĩa Xuân mặc dù có tổ liên ngành chống thất thu thuế luôn có người trực ngay gần đó.

Ngay lập tức, nhóm phóng viên đã chủ động thông báo, liên hệ cấp chính quyền xã để cung cấp thông tin. Nhưng sau nhiều cuộc gọi, nhóm phóng viên vẫn không thể kết nối được với người có trách nhiệm đứng đầu xã Nghĩa Xuân.

Nhóm phóng viên sau đó liên lạc với ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp. Ngay sau khi nghe thông tin phản ánh thực tế từ phóng viên, ông Nguyễn Đình Tùng đã ngay lập tức chỉ đạo xử lý, cử ông Lê Sỹ Hào – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện bám sát thông tin, lập tổ cơ động kịp thời vào cuộc. Đến khoảng 17h ngày 15/1/2021, tại cây xăng xã Nghĩa Xuân, đoàn làm việc của Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Xuân, lực lượng chức năng huyện Quỳ Hợp gồm cán bộ địa chính và công an xã đã có mặt tại hiện trường. Tại đây, lực lượng chức năng đã nhanh chóng, quyết liệt lập biên bản, thu giữ phương tiện và niêm phong hiện trường.  

Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ việc khai thác và vận chuyển đá trái phép ở huyện Qùy Hợp. Nếu chỉ có lực lượng chức năng huyện vào cuộc thì rất khó để kiểm soát, kiểm tra và ngăn chặn. Để có những biện pháp răn đe và xử lý kịp thời, nghiêm khắc, điều đầu tiên và cần thiết nhất là sự sát sao, quyết liệt của cán bộ xã, lực lượng chức năng xã. Đây là những người quản lý trực tiếp trên địa bàn, là những người "mắt thấy tai nghe" đầu tiên, nên rất cần thái độ làm việc trách nhiệm, chuyên nghiệp để cùng lực lượng chức năng các cấp sớm xóa bỏ các điểm khai thác, các tổ chức tham gia vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Qùy Hợp (Nghệ An): Khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép – trên nóng, dưới lạnh. - Ảnh 3.

Những xe vận chuyển khoáng sản trái phép đi ra từ cột mốc số 7.

Tại xã Nghĩa Xuân, tình trạng khai thác trái phép đá cổ thạch hay còn gọi đá cảnh ở địa phương này không hề có dấu hiệu hạ nhiệt dù các phương tiện truyền thông báo chí phản ánh khá nhiều. Trước đó, chính quyền địa phương từng xử phạt một số cá nhân tổ chức vi phạm với mức xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Số tiền phạt này, so với thực tế "thu nhập" từ việc khai thác lậu khoáng sản (theo tìm hiểu của phóng viên, một tấn đá cổ thạch hiện có mức giá khoảng 1 triệu đồng, trung bình một xe tải lớn chở từ 30 đến 35 tấn tấn đá) là chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, sau khi xử phạt, những khoáng sản trái phép có bị tịch thu hay vẫn cho phép tiếp tục vận chuyển?. 

Để đấu tranh đầy lùi tệ nạn này cần có sự vào cuộc của cán bộ có quyết tâm cũng như nắm vững quy định pháp luật. Như phản ánh trước đây, trong một số lần xử lý vi phạm hành chính đối với việc khai thác, vận chuyển trái phép, chính quyền xã Nghĩa Xuân đã áp dụng văn bản pháp luật hết hiệu lực để xử lý vi phạm. Do đó, có thể nói, các Quyết định xử lý vi phạm đó không có giá trị pháp luật vì căn cứ pháp lý sai. Nghị định 33/2017/NĐ-CP dù đã hết hiệu lực (được thay thế bởi Nghị định 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2020) nhưng vẫn được cán bộ áp dụng để xử lý sai phạm.

Qùy Hợp (Nghệ An): Khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép – trên nóng, dưới lạnh. - Ảnh 4.

Khoáng sản trái phép trên xe 37C 251.81 bị tạm giữ tại UBND xã Nghĩa Xuân có bị tịch thu?

Cơ sở pháp lý để áp dụng từ Luật Khoáng sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, thậm chí Bộ Luật Hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rất rõ ràng cụ thể các hành vi vi phạm, các chế tài để xử lý từ trách nhiệm hành chính cho tới trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và pháp nhân cũng như thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Khoản 1, Điều 227 Bộ Luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên: "1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm" trong đó cần chú ý điểm đ, khoản 1 điều 227: "đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm"  và điểm b, khoản 1 điều 227: "b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;".

Qùy Hợp (Nghệ An): Khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép – trên nóng, dưới lạnh. - Ảnh 5.

Những phương tiện chuyên nghiệp đang lấy đá cảnh trái phép tại xã Nghĩa Xuân

Theo Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 01/6/2017 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tại điều 4 - d nêu rõ:  Đối với công tác bảo vệ khoáng sản khu vực chưa cấp phép khai thác, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra, thông qua thông tin phản ánh được chuyển đến, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã phải chủ động kịp thời tổ chức lực lượng xử lý vi phạm theo nhiệm vụ được phân công tại Quy định này và theo quy định của pháp luật, trường hợp không kịp thời xử lý hoặc xử lý không đảm bảo quy định, không hiệu quả thì Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Để ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép, thiết nghĩ các cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý đối với cá nhân, tập thể, người đứng đầu nếu để xảy ra khai thác, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn hoặc để tái diễn, kéo dài mà không có biện pháp xử lý, ngăn chặn dứt điểm.

Minh Tú - Văn Phương
Ý kiến của bạn