Huyện Thạch Thất ‘gặt hái quả ngọt’ nhờ phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao

Địa phương
10:10 AM 20/10/2022

Sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020, Thạch Thất (Hà Nội) tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, duy trì tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 100% nhằm nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

Thay đổi toàn diện nhờ xây dựng nông thôn mới

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Thạch Thất là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, với chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú; nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Mường… Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của TP. Hà Nội.

photo-1669777224447

Diện mạo các làng xã ở Thạch Thất ngày càng thay đổi toàn diện.

Sau 10 năm (2010-2020) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Thạch Thất đã có 21/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới (riêng xã Thạch Hòa phát triển theo hướng đô thị); hoàn thành 9/9 tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới theo quy định của Trung ương. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt chỉ 13,1 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 đã gấp 5,4 lần tương đương với 70 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,58%.

Năm 2021, huyện Thạch Thất có xã Đại Đồng đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với những thành tích đã đạt được, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg công nhận huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thạch Thất tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, duy trì tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 100%.

Theo Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Vũ Minh Hải, từ năm 2014, sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Hương Ngải đã được đầu tư 96 dự án trên địa bàn với tổng mức kinh phí hơn 319 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân đóng góp 8.000 ngày công lao động, hiến 1.019,5m2 đất ao vườn mở rộng đường giao thông và làm rãnh thoát nước... Đến nay, đường làng, ngõ xóm ở Hương Ngải cơ bản được kiên cố hóa, hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất. Vừa qua, Hương Ngải đã tổ chức đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) Đinh Công Long cho biết: Yên Trung đã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới năm 2016, đến nay xã đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Năm 2022, xã Yên Trung đã đầu tư thêm 2 tuyến đường từ trung tâm xã nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, mỗi tuyến có chiều dài 150m; xã cũng triển khai sửa chữa các tuyến đường ngõ xóm còn nhỏ hẹp, vận động người dân hiến đất, mở rộng các ngã ba, ngã tư để đi lại thuận lợi hơn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện tiếp tục chỉ đạo, huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Năm 2022, toàn huyện tổ chức thực hiện 134 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 3.833 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện tiếp tục vận động, huy động nhân dân hiến đất, ngày công, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao; chỉ đạo tập trung thi công hoàn thành các công trình, hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới...

Không ngừng phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

photo-1669777226567

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc gia tăng giá trị cho bất động sản huyện Thạch Thất Hà Nội.

Thời gian tới, huyện tiếp tục nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển Khu đô thị Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Đại học Quốc gia Hà Nội... trong tổng thể phát triển huyện (gắn định hướng phát triển dân cư); chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Cùng với đó, phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

Bên cạnh đó, tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, công tác giáo dục; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình về giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế; chú trọng gìn giữ và phát triển kinh tế làng nghề… tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn theo hướng "sáng - xanh - sạch - đẹp".

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới, Thạch Thất cần dồn lực cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển nhanh công nghiệp, làng nghề dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Ngoài ra, huyện cần tập trung cải thiện hệ thống xử lý nước thải làng nghề, xử lý nước thải trong khu dân cư, cải tạo ao hồ để nâng cao tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới…

* Văn phòng Nông thôn mới đồng hành cùng bài viết này!

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.