Huyện Thiệu Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Địa phương
04:23 PM 16/05/2024

Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ giữa nông thôn và thành thị. Thời gian qua, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều mô hình, chương trình, hoạt động về chuyển đổi số, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, góp phần xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Huyện Thiệu Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Đường làng, ngõ xóm ở Thiệu Trung sạch đẹp.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu; trong đó chuyển đổi số phải bắt đầu từ nông thôn, nông dân và sản xuất nông nghiệp để phát huy hiệu quả các tiềm năng. 

Thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành chức năng cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. 

Đồng thời, thường xuyên mở lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tự doanh, tiếp cận thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu... theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xây dựng NTM thông minh. Qua đó thúc đẩy người dân mạnh dạn tham gia, áp dụng vào thực tiễn đời sống, góp phần nâng cao thu nhập.

Trên lĩnh vực thương mại điện tử, huyện đã thực hiện kết nối các doanh nghiệp, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… góp phần thúc đẩy dịch vụ phát triển hướng tới xuất khẩu hàng hóa. Đưa thương mại điện tử đang dần trở thành phương thức tiêu thụ chủ yếu của các chủ thể, người dân tại các vùng sản xuất hàng hoá trên địa bàn.

Huyện Thiệu Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Thị trấn Thiệu Hóa đã có bước đột phá rõ rệt về hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó trên các lĩnh vực xây dựng NTM, chuyển đổi số cũng đóng góp một phần không nhỏ vào những thành quả đạt được.

Trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, hiện tại, có trên 100 mắt camera an ninh do trưởng khu phố quản lý, kết nối trực tiếp với lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông; hệ thống mạng internet hoạt động ổn định 24/24, giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. 

100% văn bản, hồ sơ công việc của thị trấn được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Bên cạnh xây dựng chính quyền số, thị trấn cũng đang tập trung thực hiện tiêu chí xã hội số với các lĩnh vực trọng yếu gồm: Y tế, Giáo dục và An ninh trật tự.

Tại thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên, hệ thống điện chiếu sáng công cộng và việc theo dõi lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng, cùng hệ thống 10 camera giám sát an ninh của thôn cũng được kết nối về điện thoại của trưởng thôn và hệ thống camera an ninh của xã. Đồng thời, mọi thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tin tức hoạt động tại địa phương cũng được kịp thời phổ biến trên nhóm zalo của thôn, xã.

Huyện Thiệu Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 3.

Cán bộ và nhân dân thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên sử dụng nhóm zalo để nắm bắt thông tin, chủ trương của xã.

Nhờ phát triển các tiêu chí thôn thông minh, thôn 4, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã có hệ thống wifi miễn phí để bà con truy cập thông tin, có loa truyền thanh, hệ thống camera an ninh, điện chiếu sáng công cộng bằng điện thoại di động...

Chỉ cần mở app trong điện thoại là hệ thống loa truyền thanh của thôn tự động phát đi bản tin được viết sẵn. Không chỉ tích hợp các phần mềm về truyền thanh, việc bật hệ thống bóng điện chiếu sáng quanh làng cũng được ông điều khiển và tích hợp qua điện thoại mà không phải đi từng cột bật từng công tắc. Những tiến bộ trong chuyển đổi số ở đây còn được ứng dụng vào hệ thống camera an ninh được thu tín hiệu dữ liệu về các điện thoại cán bộ và máy tính chung của thôn. Do vậy, ngay trong đêm, các cán bộ và người dân có thể giám sát tình hình an ninh của thôn ngay tại nhà qua điện thoại.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số còn được thực hiện trong khâu điều hành, thực hiện các công việc của thôn và tương tác với UBND và lãnh đạo xã. Ngoài chi bộ thôn, người dân trong thôn có nhóm Zalo riêng với 231 thành viên để trao đổi, đề đạt nguyện vọng, kêu gọi hội họp mà không phải đi từng nhà như trước. Một tiến bộ khác đáng ghi nhận là người dân trong thôn được khuyến khích đóng tiền điện, tiền nước, tiền rác, tiền học phí cho con em qua tài khoản ngân hàng bằng điện thoại và ví điện tử.

Huyện Thiệu Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 4.

Diện mạo làng quê xã Minh Tâm ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Hiện nay, người dân huyện Thiệu Hóa đã từng bước tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, chính quyền từ huyện đến xã đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 100% xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới; trên 50% xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông, tiêu chí số 15 về hành chính công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Thời gian tới, để đạt được kết quả toàn diện hơn nữa, huyện sẽ tập trung thực hiện tuyên truyền cho người dân thực hiện việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai về hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và chữ ký số điện tử.

Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM tại huyện Thiệu Hóa đã giúp thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Đây cũng tiền đề để các địa phương hướng tới xây dựng NTM thông minh.

Huyện Thiệu Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 5.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - Đỗ Trọng Hưng đến thăm khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thị trấn Thiệu Hóa.

Đẩy mạnh chuyển đổi số cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác đã giúp chương trình xây dựng NTM của huyện giành được nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, hiện đại. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh, trình độ sản xuất của nông dân được "chuyên nghiệp hóa" hơn. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi số là mục tiêu đồng thời cũng là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, cải thiện và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Vì vậy, cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số rất cần sự chung tay, tích cực tham gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.