Huyện Thiệu Hóa: Tổ chức đón Tết Nhâm Dần 2022 vui tươi, an toàn, tiết kiệm

Địa phương
05:47 PM 29/01/2022

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi, niềm tin và động lực mới quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, UBND huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vừa có báo cáo về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Thiệu Hóa tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, trong điều kiện quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh 2 lần/ngày trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc: "5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân"; Duy trì công tác trực phòng, chống dịch 24/24 giờ, giao ban hàng ngày; đảm bảo trang thiết bị, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch.

Huyện Thiệu Hóa chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức vui Xuân đón Tết an toàn, vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, tiết kiệm và nghĩa tình; sản xuất và sử dụng thực phẩm an toàn, nói không với thực phẩm bẩn; không tham gia sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo, thuốc nổ trái phép và thả đèn trời trong dịp trước trong và sau Tết, đặc biệt là đêm Giao thừa.

Huyện Thiệu Hóa: Tổ chức đón Tết Nhâm Dần 2022 vui tươi, an toàn, tiết kiệm - Ảnh 1.

Trụ sở UBND huyện Thiệu Hóa

Về sản xuất, toàn huyện đã triển khai gieo trồng 2031,4ha vụ Đông năm 2021 – 2022, trong đó: Cây ngô: 657,7 ha; khoai lang 112,4 ha; khoai tây 53,6 ha; ớt 109,7 ha; đậu tương 87,4 ha; cây mía 89,3 ha; rau đậu các loại và cây trồng khác 921,3 ha.

Về vụ Chiêm Xuân 2021 - 2022, lượng mạ đã gieo đạt 100% (tương đương 241 tấn giống), diện tích mạ đã gieo đều được che phủ nilon để chống rét. Các Chi nhánh thuỷ nông, các xã, thị trấn đã chủ động lấy nước, đổ ải, giải phóng đất đảm bảo tiến độ gieo trồng vụ đông xuân. Đến nay 100% diện tích đất lúa đã được đưa nước vào ruộng để phục vụ sản xuất theo kế hoạch.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn, công tác phòng chống dịch luôn được các xã quan tâm thực hiện. Công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi đảm bảo, không có thiệt hại do thời tiết gây ra. Công tác kiểm soát giết mổ đã được các xã triển khai thực hiện.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19; cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường và tiêu dùng của nhân dân. Huyện đã chỉ đạo Đội quản lý thị trường số 8; UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như: đầu cơ, găm hàng hóa chờ nâng giá, vi phạm các quy định về giá, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng trốn lậu thuế, vi phạm về an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng.

Đời sống nhân dân trên địa bàn huyện cơ bản ổn định; tiền lương, tiền thưởng các Công ty trên địa bàn cơ bản đáp ứng: Tiền lương bình quân 5 triệu đồng/lao động; các chế độ chính sách với người lao động đảm bảo; tiền thưởng cao nhất 8 triệu đồng/lao động tại Công ty May Thiệu Đô; thấp nhất 4 triệu đồng/lao động.

An ninh trật tự, an toàn xã hội đảm bảo, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đã xây phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo; đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông. Tập trung kiểm tra, duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, triển khai hệ thống báo động phòng không trong dịp Tết đúng kế hoạch đề ra. Tổ chức trực Tết ở tất các cơ quan, đơn vị đã được chỉ đạo lập kế hoạch, sẵn sàng thực hiện, báo cáo theo quy định.

Bên cạnh các nhiệm vụ đang triển khai, huyện Thiệu Hóa đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tam cần thực  hiện sau Tết Nhâm Dần 2022, cụ thể: Quyết liệt chỉ đạo phòng chống  đại dịch COVID-19 bằng các biện pháp phù hợp với từng cấp độ dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn; chỉ đạo tổng dọn vệ sinh môi trường sau Tết. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án ngay từ đầu năm. Chỉ đạo các nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, dạy học phù hợp trong điều kiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho giáo viên, học sinh; thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; kiểm tra rà soát hành nghề y dược tư nhân; thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/2022).

Tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo thoát nghèo bền vững; thực hiện tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; ưu tiên nhân cấy nghề mới phù hợp với lao động của huyện. Phối hợp chỉ đạo tặng quà và tổ chức chúc thọ cho các cụ cao tuổi phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh, thoái thác trách nhiệm. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc cơ sở; tập trung xử lý kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng vượt cấp, kéo dài.

Xuân Quý
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.