Huyện Thọ Xuân: Đẩy mạnh đồng bộ hóa hạ tầng giao thông – nâng tầm kết nối
Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã và đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo sự bứt phá, nâng tầm kết nối đi các vùng.
Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tạo đà phát triển
Huyện Thọ Xuân nằm về phía Tây thành phố Thanh Hóa, với vị trí địa lý cửa ngõ nối liền đồng bằng với trung du miền núi, có sông Chu - con sông lớn thứ hai của tỉnh chảy qua từ đầu huyện đến cuối huyện, sân bay quân sự Sao Vàng, Cảng Hàng Không Thọ Xuân, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ 47, 47B, 47C đi qua, đường nối dài đi khu kinh tế Nghi Sơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế duy trì ổn định, giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 70,9 tỷ đồng đạt 64% KH vốn được giao, cao nhất toàn tỉnh. Phối hợp với nhà đầu tư tổ chức thành công lễ khởi công dự án Cụm công nghiệp Xuân Lai, tạo ra bước đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, tổng lượng khách tăng 76%, doanh thu đạt 49% so với cùng kỳ.
Kết cấu hạ tầng giao thông lớn, có tính kết nối liên vùng được đầu tư xây dựng bài bản, Thọ Xuân được đánh giá là vùng đất mở, thuận lợi cho việc hội nhập, giao lưu, dễ dàng kết nối với tất cả các vùng miền trong và ngoài tỉnh. Huyện hiện có 1.475,3 km đường bộ, bao gồm hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã. Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế, năm 2020 đạt 1,2 triệu lượt khách và theo quy hoạch mở rộng giai đoạn 2021-2030 công suất tăng lên 5 triệu hành khách/năm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông lớn. Tuyến đường từ Tp. Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân và tuyến đường từ thị trấn Thọ Xuân đi đô thị Lam Sơn. Hệ thống giao thông quốc lộ qua địa bàn huyện có 4 tuyến, gồm: đường Hồ Chí Minh, QL47, QL47B, QL47C với tổng chiều dài 71,2 km, kết nối các khu vực trong và ngoài tỉnh; cũng được lãnh đạo huyện quan tâm, đầu tư, nâng cấp, cải tạo và sửa chữa đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao thông đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đối với các tuyến Tỉnh lộ trên địa bàn huyện Thọ Xuân, như: Đường từ thành phố Thanh Hóa nối Cảng hàng không Thọ Xuân; đường giao thông nối QL217 với QL45 và QL47; đường từ thành phố Thanh Hóa kết nối với các huyện phía Tây của tỉnh. Lãnh đạo huyện đang tích cực quan tâm, chỉ đạo triển khai hoàn thành GPMB các dự án trọng điểm tỉnh đầu tư trên địa bàn.
Đồng thời tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện tập trung huy động các nguồn lực ưu tiên mở mới 07 tuyến đường, chiều dài khoảng 31,3km, kết nối với các vùng để từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch chung huyện, góp phần kết nối huyện Thọ Xuân với các huyện trong khu vực; kết nối trung tâm của huyện tới trung tâm các xã, nâng cao năng lực vận tải, giao thông được thông suốt, an toàn.
Điểm hẹn của tương lai
Theo quy hoạch, trung tâm hành chính – chính trị của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa sẽ từng bước xây để chuyển trung tâm hành chính mới của thành phố tương lai này về khu vực phát triển đô thị Lam Sơn – Sao Vàng. Theo đó, khu vực trọng điểm của thành phố tương lai này cũng được định hướng để xây dựng thư viện khoa học – kỹ thuật, bảo tàng lịch sử các triều đại lịch sử nhà hậu Lê tại khu vực Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trường đào tạo nghề, phân viện đại học để tập trung đào tạo các ngành...
Huyện Thọ Xuân được định hướng phát triển theo mô hình "Hai vành đai – ba vùng phát triển". Trong đó, khu công nghiệp gắn với đô thị Lam Sơn – Sao Vàng hiện nay thuộc vành đai thứ nhất của thành phố tương lai. Với nhiều đầu mối giao thông quan trọng, như tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua để kết nối với cả nước; tuyến Quốc lộ 47 nối hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh, biến vùng Lam Sơn – Sao Vàng thành trung tâm của hành lang này.
Phát huy tiềm năng và thế mạnh sẳn có, Sân bay Thọ Xuân được quy hoạch trở thành sân bay quốc tế vào năm 2030 trên tổng diện tích 844 ha, đạt cấp sân bay 4E, công suất ước đạt 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm, được định hướng là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị - thay thế cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Sân bay Thọ Xuân – sân bay nằm trong lòng thành phố, sở hữu vị trí chiến lược, trung tâm Đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, một trong "Tứ sơn" kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Quỹ đất xung quanh Sân bay Thọ Xuân còn rất lớn, hiện đang được quy hoạch các khu công nghiệp vệ tinh, phục vụ cho quá trình vận chuyển hàng hoá. Thêm vào đó, khu công nghiệp gần sân bay là khu công nghiệp công nghệ cao, không ảnh hưởng đến môi trường. Thu hút người dân, chuyên gia quốc tế về sinh sống và học tập, làm việc. Đồng thời thu hút đầu tư, trở thành điểm hẹn của những doanh nhân toàn cầu.
Trong lương lai không xa, đây sẽ là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng Nghi Sơn, cảng hàng không quốc tế Sao Vàng, cửa khẩu đường bộ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế của Thọ Xuân và khu vực.
Thuận lợi về giao thông chắc chắn sẽ là cơ hội để vùng đất Lam Sơn – Sao Vàng phát huy được lợi thế, khơi dậy các dư địa phát triển. Đây được coi là những giải pháp tháo gỡ "nút thắt" hạ tầng, cùng với cảng hàng không quốc tế và khu công nghiệp tạo nên thế chân vạc vững chắc, thúc đẩy kinh tế Thọ Xuân phát triển bền vững.
Yến HoàngNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".