Huyện Thọ Xuân: Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch đến năm 2030

Địa phương
12:31 PM 05/10/2022

Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Văn Thi vừa ký Quyết định số 3276/QĐ-UBND về "Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Thọ Xuân đến năm 2030" nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội...

Quan điểm phát triển du lịch của đề án là phải phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, đảm bảo khai thác có hiệu quả, phát huy được các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên; khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa, bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa, gắn với bảo vệ môi trường du lịch, an ninh, an toàn du lịch.

Trên cơ sở xác định các khâu đột phá để khắc phục những bất cập, hạn chế, trong đó, tập trung phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo động lực cho phát triển cho du lịch huyện; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch.

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh về tài nguyên du lịch tâm linh, tạo đòn bẩy để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, nổi trội, mang nét đặc trưng riêng của địa phương. Phát triển du lịch trong không gian tổng thể kết nối với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực, trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh của huyện.

Thọ Xuân: Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch đến năm 2030 - Ảnh 1.

Phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh gắn với lịch sử tại huyện Thọ Xuân đến năm 2030.

Mục tiêu phát triển chung của Đề án là phát triển hệ thống các sản phẩm và hoạt động du lịch đồng bộ, chất lượng cao, với các loại hình đa dạng từ du lịch văn hóa, tâm linh, gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề và du lịch trải nghiệm; trong đó, du lịch tâm linh là trọng tâm, tạo điểm nhấn và yếu tố khác biệt nhằm khắc phục tính thời vụ, thu hút nhiều thị trường khách, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. 

Từ đó, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch; hình thành hệ thống du lịch, đưa huyện Thọ Xuân trở thành trung tâm du lịch vùng trung du miền núi Thanh Hóa, gắn với lịch sử phát tích của hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê, nối với hệ thống du lịch của toàn tỉnh Thanh Hóa. Phát triển du lịch Thọ Xuân trở thành điểm nhấn du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh cũng như của khu vực miền Bắc.

Huyện phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 500.000 lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 15%/năm, trong đó có 10.000 lượt khách quốc tế và 491.000 lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón khoảng 850.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm, trong đó trên 37.000 lượt khách du lịch quốc tế và 813.000 lượt khách du lịch nội địa.

Đến năm 2025, Thọ Xuân đạt tổng thu từ khách du lịch đạt 252.150 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm. Trong đó, tổng thu từ khách du lịch nội địa là 244.900 triệu đồng, khách quốc tế đạt 7.250 triệu đồng; đến năm 2030, tổng thu từ khách du lịch đạt 651.200 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm; tổng thu từ khách du lịch nội địa là 609.000 triệu đồng, khách quốc tế đạt 42.200 triệu đồng.

Thọ Xuân: Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch đến năm 2030 - Ảnh 2.

Dòng người đến thắp hương, tham quan tại Khu di tích Lam Kinh, Thọ Xuân

Ngoài ra, đến năm 2025 có 69 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 760 phòng; đến năm 2030 có 93 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng hơn 1020 phòng.

Đến năm 2025 toàn huyện có khoảng 2.040 người lao động tham gia vào du lịch; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ lên 30%; 3 (trong đó có 640 lao động trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của huyện); 100% lao động tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm được bồi dưỡng về văn hóa du lịch; đến năm 2030 toàn huyện có khoảng 5.100 lao động tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó 1.600 lao động trực tiếp.

Vấn đề môi trường cũng được chú trọng. Đến năm 2025 có 80% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 90% điểm đến du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và rác thải theo đúng quy định; đến năm 2030 có 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 100% điểm đến du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và rác thải theo đúng quy định.

Đối với hệ thống sân bay, cần phải thu hút thị trường nội địa Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ và đặc biệt là Tây Nam Bộ, Tây Nguyên nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa tuyến đường bay hiện đang được các hãng hàng không khai thác, đồng thời mở rộng thu hút thị trường khách quốc tế như Đông Nam Á, Đông Á, Australia, Tây Âu, Bắc Mỹ.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Thọ Xuân phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về du lịch; cân đối nguồn ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội hóa, xây dựng định hướng phát triển sản phẩm và thị trường du lịch; tổ chức không gian phát triển du lịch; phát triển tuyến du lịch cụ thể. Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án.

Ngoài ra, quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ về phát triển sản phẩm và thị trường du lịch tại huyện Thọ Xuân. Bao gồm: giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống và phát triển du lịch, giữa phát triển đô thị với giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống xanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, du lịch. Nghiên cứu, tập trung đầu tư, kêu gọi xã hội hóa để tạo điểm đến thực sự quy mô từ các doanh nghiệp lớn mạnh, có thương hiệu trong lĩnh vực du lịch; tập trung nâng cao chất lượng, mang đậm bản sắc, có khả năng cạnh tranh cao với các điểm đến khác trong tỉnh, trong khu vực và trong cả nước. Quan tâm xây dựng thương hiệu một số sản phẩm chủ lực, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch của huyện.

Kết nối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thu hút thị trường du lịch là học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên nhằm tăng cường kết hợp giáo dục với các hoạt động trải nghiệm, học tập trực quan, thực tế, thông qua các hoạt động thăm quan, giới thiệu, thuyết minh về các giá trị lịch sử, văn hóa của các khu, điểm du lịch tại huyện Thọ Xuân, có như vậy du lịch huyện mới thực sự khởi sắc và mang tính bền vững.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn