Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Địa phương
08:38 PM 27/04/2023

Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm nay gắn với Kỷ niệm 1018 năm Ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Hoàn, đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và tổ chức Tuần lễ văn hóa - Du lịch - Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2023 diễn ra từ ngày 24-28/4 (tức ngày 5 - 9/3 âm lịch), tại thôn Trung Lập xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá.

Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023 được tổ chức công phu, hoành tráng, với quy mô cấp tỉnh, nhằm tưởng nhớ tới vua Lê Đại Hành - Người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh tan quân xâm lược nhà Tống năm 981.

Theo sử sách: Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (tức mồng 10 tháng 8 năm 941) trong một gia đình nông dân nghèo, cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen. Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua trị vì đất nước, Lê Đại Hành đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh. Ông có nhiều công lao trong công việc ngoại giao, xây dựng và kiến tạo quốc gia Đại Cồ Việt. Trong những năm tại vị, ông đã cho xây dựng nhiều công trình kiến thiết. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tổ chức lễ cày tịch điền để khuyến khích nhân dân sản xuất. Cho thi công nhiều tuyến kênh đê, mở mang đường xá. Ông là người đầu tiên tổ chức đào sông. Con sông đào do ông chỉ đạo thi công hiện nay vẫn còn ở Thanh Hóa, thường được gọi là kênh nhà Lê.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Ngày 6/3/2023, Bộ VH-TT-DL công nhận Lễ hội truyền thống Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023 gắn với lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng là dịp để khách thập phương tìm về chiêm bái, tham gia nghi thức long trọng và quan trọng bậc nhất của lễ hội đó là lễ rước kiệu. Lễ rước kiệu được thực hiện vào giờ khắc thiêng liêng, giao hòa của đất trời, trong không khí rộn ràng, trang trọng và thành kính. Đoàn rước kiệu gồm những người khoẻ mạnh trong làng, mang theo cờ lộng, dàn binh khí, phường bát âm đi trước, sau đó là toàn thể dân làng đi theo thứ tự người già đi trước, người trẻ đi sau.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Lễ rước kiệu Quốc mẫu về đền thờ Lê Hoàn

Kiệu được rước từ đền thờ ra đền Quốc mẫu, làm lễ xong lại rước về đền; tiếp sau đó lại rước kiệu từ đền thờ ra lăng Hoàng Khảo, làm lễ xong đoàn lại rước về đền. Nhân dân ở xã Trường Xuân thì rước kiệu từ lăng Lê Đột (bố nuôi của Hoàng đế Lê Đại Hành) lên đền thờ. Hình thức rước kiệu của nhân dân tại các làng, các xã phản ánh lòng thành kính, biết ơn đối với Hoàng đế, mang kiệu đến rước bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi về đền dự lễ hội.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 3.

Nghi thức tế lễ tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: "Năm Ất Tỵ (năm 1005), Hoàng đế Lê Đại Hành băng hà, thọ 64 tuổi. Để tỏ lòng tri ân công đức cao dày của ông đối với dân tộc, nhân dân đã lập đền thờ ở nơi sinh ra ông để thường xuyên thờ phụng".

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 4.

Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, T.Ư Hội phụ nữ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cùng người dân dâng hương tưởng nhớ công lao của Hoàng đế Lê Đại Hành

Cùng với xây dựng đền thờ, các thế hệ người dân trong vùng đã hình thành và phát triển nên một lễ hội đặc sắc - Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn. Lễ hội được thể hiện qua các nghi lễ truyền thống, tái hiện lại nhiều tục lệ rất độc đáo gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân dưới triều Hoàng đế Lê Đại Hành, như trò trại binh thời Lê Hoàn và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian khác. Với những giá trị to lớn và nét độc đáo, năm 2023, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn đã được ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 5.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phát biểu khai mạc buổi lễ.

Lễ hội được ví như tấm gương phản chiếu diện mạo của một cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng làng, xã - thành trì văn hoá của dân tộc. Giá trị lớn nhất và quan trọng nhất của lễ hội có lẽ là ở khả năng kết nối cộng đồng, trở thành một khối thống nhất, bền chặt để xây dựng cuộc sống bình yên, no ấm.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 6.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao chứng nhận Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa

Đồng thời, lễ hội cũng là sinh hoạt văn hoá - tinh thần giúp con người cân bằng đời sống và gửi gắm những mong muốn, khát vọng của cá nhân và cộng đồng. Không những vậy, lễ hội gắn với những nhân vật lịch sử lớn còn là cách để hậu thế thể hiện tình cảm tri ân, ngưỡng vọng theo đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, với tầm ảnh hưởng sâu rộng của nhân vật được thờ phụng mà lễ hội không bị giới hạn trong không gian làng xã, mà đã thu hút đông đảo khách thập phương tìm về. Đó ví như cuộc hành hương trở về nguồn cội, để nhắc nhớ con người không được phép lãng quên đi quá khứ hào hùng của dân tộc.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 7.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh trống khai hội Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023.

Về với Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm nay, du khách gần xa còn có cơ hội tìm hiểu về những giá trị văn hóa phong phú của mảnh đất giàu truyền thống văn hoá này. Những chàng trai, cô gái Mường trong trang phục truyền thống cất tiếng ca hoà cùng điệu nhảy sạp uyển chuyển; điệu múa Pôồn Pôông quanh cây bông đủ màu sắc với các chùm hoa gỗ, nông cụ sản xuất, bầy muông thú,… tượng trưng cho vũ trụ bao la của đồng bào dân tộc Mường; trò Xuân Phả, một trong những trò diễn tiêu biểu, lưu dấu quá khứ hào hùng dân tộc qua các vương triều trong lịch sử phong kiến, được trình diễn bởi các nghệ nhân văn hoá dân gian.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 8.

Không chỉ vậy, du khách còn được tham quan, mua sắm tại không gian trưng bày sản vật địa phương, với hàng trăm gian hàng bày bán các sản phẩm hàng hóa phong phú và thưởng thức các đặc sản của Thọ Xuân như bánh lá răng bừa, bánh gai tứ trụ… Và đặc biệt, một trong những điểm nhấn của Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn, đó là hội trại binh được dựng mô phỏng theo trại đóng quân thời Tiền Lê. Với 12 trại binh được làm theo bản thiết kế, từ nguyên vật liệu tự nhiên, có sẵn tại địa phương, dựa trên các tài liệu lịch sử và tham khảo ý kiến các chuyên gia, có kích thước lớn và yêu cầu kỹ thuật sản xuất khó. Đây là một trong những hạng mục được các xã, đơn vị tham gia kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn đặc sắc tại Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm nay.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 9.

Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, không gian lễ hội ngày càng rộng và phong phú hơn đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của  nhân dân. Đây là dịp tốt để cho thế hệ hôm nay nhớ về cội nguồn dân tộc, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã có công giữ nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mọi người trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 10.

Các gian hàng bày bán các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh, thu hút đông đảo bà con đến tham quan và mua sắm.

Huyện Thọ Xuân: Tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 11.

Trò Xuân Phả được trình diễn tại lễ hội đền thờ Lê Hoàn.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị 4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị

Tổng cộng lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.772 chiếc với giá trị 919 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị.