"Huyền thoại" Nokia thay logo, đổi chiến lược kinh doanh
Nokia vừa công bố kế hoạch thay bộ nhận diện thương hiệu lần đầu tiên sau gần 60 năm bằng một logo mới, đánh dấu sự "lột xác" mạnh mẽ trong chiến lược của một "huyền thoại" sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu.
Trước thềm sự kiện di động MWC 2023 tại Barcelona (Tây Ban Nha), Giám đốc điều hành Pekka Lundmark đã công bố logo mới của Nokia, gồm năm chữ cái có hình dạng khác nhau tạo thành từ NOKIA. Màu xanh mang tính biểu tượng của logo cũ đã được thay thế bằng khả năng tùy chỉnh nhiều màu tùy theo mục đích sử dụng.
Logo mới của Nokia. Ảnh: Nokia
Mục đích của động thái này là Nokia muốn nhấn mạnh, hãng không còn là một công ty phát triển và sản xuất smartphone, điện thoại di động như trước đây, mà còn tập trung vào những mảng kinh doanh khác.
"Ngày nay, chúng tôi là một công ty kinh doanh công nghệ nhưng vẫn có sự liên kết với sản xuất thiết bị smartphone", Giám đốc điều hành Pekka Lundmark chia sẻ.
Lundmark đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Nokia từ 2020, giữa lúc công ty gặp nhiều khó khăn. Ông sau đó đề ra chiến lược gồm ba giai đoạn: thiết lập lại, tăng tốc và mở rộng quy mô. Giai đoạn thiết lập lại đã hoàn tất và đang tiến vào giai đoạn thứ hai.
Mặc dù Nokia vẫn đặt mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh nhà cung cấp dịch vụ, nơi họ bán thiết bị cho các công ty viễn thông, nhưng trọng tâm chính của họ hiện là bán thiết bị cho các doanh nghiệp khác.
"Năm ngoái, chúng tôi đạt mức tăng trưởng tốt, khoảng 21%. Riêng mảng dịch vụ cho doanh nghiệp chiếm 8% doanh thu (tương đương khoảng 2 tỷ euro). Chúng tôi muốn đưa mức này lên hai con số càng sớm càng tốt", ông nói.
Các công ty công nghệ lớn đã hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông như Nokia để bán mạng 5G riêng và thiết bị cho các nhà máy tự động cho khách hàng, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất.
Trong thời gian tới, Nokia có kế hoạch xem xét lộ trình tăng trưởng của các mảng kinh doanh khác nhau cũng như xem xét các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc thoái vốn.
Việc Nokia hướng tới tự động hóa trong lĩnh vực sản xuất và trung tâm dữ liệu cũng sẽ tăng khả năng cạnh tranh của công ty với các ông lớn trong ngành công nghệ, chẳng hạn như Microsoft và Amazon.
Ông cũng khẳng định: "Trên thương trường, chúng tôi xác định sẽ có nhiều trường hợp khác nhau, đôi khi họ sẽ là đối tác của chúng tôi, đôi khi là khách hàng của chúng tôi và chắc chắn sẽ có lúc họ là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi".
Thị trường bán thiết bị viễn thông đang chịu áp lực với môi trường vĩ mô làm giảm nhu cầu từ các thị trường có tỷ suất lợi nhuận cao như Bắc Mỹ, được thay thế bằng sự tăng trưởng ở Ấn Độ có tỷ suất lợi nhuận thấp, khiến đối thủ Ericsson phải sa thải 8.500 nhân viên.
"Ấn Độ là thị trường phát triển nhanh nhất của chúng tôi với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, đây là một sự thay đổi về cấu trúc", ông Lundmark nói, đồng thời cho biết thêm, Nokia kỳ vọng Bắc Mỹ sẽ là thị trường tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay.
Ngọc Quỳnh (Theo Reuters)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.