Huyện Thủy Nguyên: Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002 của Chính phủ
UBND huyện Thủy Nguyên (Tp Hải Phòng) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Qua 20 năm triển khai tín dụng chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ đã khẳng định được vai trò của chính sách tín dụng ưu đãi, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Từ hai chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 đạt 533,9 tỷ đồng với 20.782 khách hàng đang vay vốn, tăng 509 tỷ đồng, gấp 22 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 12%. Nhờ đồng vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua, đã giúp cho 34.650 lượt hộ nghèo được vay vốn; thu hút tạo việc làm cho trên 12.000 lao động; giúp cho 7.261 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính với tổng số tiền giải ngân là 228,2 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và cải tạo 76.233 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 284 ngôi nhà cho hộ nghèo....
Tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2022 xuống còn 1,70%. Chất lượng tín dụng luôn được quan tâm và cải thiện dần qua từng năm. Hiện nay, toàn huyện có 436 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong 20 năm qua tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa Ngân hàng với người vay vốn, góp phần truyền tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ.
Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, huyện Thủy Nguyên đã quan tâm dành một phần ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách của địa phương. Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí cao với báo cáo đã trình bày, đồng thời cũng tham luận về công tác nhận ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách qua tổ chức hội trên địa bàn huyện; vai trò của thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND xã với nguồn vốn tín dụng chính sách và hoạt động ủy thác; một số kết quả và kinh nghiệm trong thực hiện tín dụng chính sách của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã khen thưởng cho 2 tập thể và 4 cá nhân; UBND huyện tặng Giấy khen cho 10 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78 của Chính phủ.
Trung KiênTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.