Huyện Tri Tôn: Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực
Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), tạo tiền đề quan trọng để huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Theo đó, thu ngân sách nhà nước của huyện Tri Tôn trong 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 711,980 tỷ đồng, đạt 102,78% so dự toán tỉnh giao, trong đó ngân sách địa phương (huyện - xã) hưởng 705,722 tỷ đồng, đạt 102,55% so dự toán, trong đó thu cân đối NSNN trên địa bàn 96,635 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến ngày 14/6/2023, ngành thuế huyện Tri Tôn thực hiện công tác thu thuế các loại được 77,571 tỷ đồng, so kế hoạch năm đạt 76,73%.
Thị trường thương mại và dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển khá sôi động và tăng so cùng kỳ. Lượng hàng hoá nhập về phục nhu cầu tiêu dùng của người dân khá dồi dào với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả có dao động tăng so cùng kỳ, nhất là các mặt hàng thiết yếu, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận, nên thu hút được lượng khách mua sắm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm đạt 3.526,3 tỷ đồng, tăng 10,94% so với cùng kỳ. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 2.336,8 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú đạt 766,9 tỷ đồng và dịch vụ khác đạt 422,6 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - thủ công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt 256,256 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất khu vực cá thể chiếm 95,59% bằng 244,946 tỷ đồng. Giá trị sản xuất tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến 242,295 tỷ đồng, tăng 6,13%; ngành sản xuất phân phối điện, hơi nước 2,651 tỷ đồng, tăng 5,37. Giá trị sản xuất khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện đạt 11,310 tỷ đồng, tăng 22,64%. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 (Nguồn vốn do cấp tỉnh phân bổ): tính đến ngày 15/6/2023 đã giải ngân được 4.867 triệu đồng. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tính đến ngày 15/6/2023 đã giải ngân được 20.704 triệu đồng.
Hiện nay, huyện đang tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án như: Dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt (dự kiến thực hiện tại xã Lương An Trà), quy mô dự kiến 60 ha, nguồn vốn dự kiến đầu tư 2.503 tỷ đồng; Dự án trồng lúa và cây ăn trái hữu cơ (dự kiến thực hiện tại xã Núi Tô), quy mô dự kiến 430 ha, nguồn vốn dự kiến đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án năng lượng mặt trời và chăn nuôi (dự kiến thực hiện tại xã Lương An Trà) quy mô dự kiến 519 ha, nguồn vốn dự kiến đầu tư 3.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác đăng ký kinh doanh được thực hiện theo cơ chế một cửa, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký nhanh chóng, dễ dàng. Cụ thể, huyện đã cấp giấy phép kinh doanh hành nghề cho các cơ sở sản xuất kinh doanh được 169 hộ với tổng số vốn kinh doanh 48,974 tỷ đồng, có 406 lao động tham gia. Số giấy phép cấp tập trung ở ngành thương nghiệp 104 hộ, ngành ăn uống 38 hộ, ngành công nghiệp 11 hộ... Số đăng ký lại 166 hộ với tổng số vốn 42,963 tỷ đồng, có 378 lao động tham gia. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã đón tổng số 591.850 lượt khách đến tham quan, du lịch.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; diện tích xuống giống tính đến ngày 12/6 đạt 87.267,2 ha. Trong đó, diện tích trồng lúa chiếm tỷ trọng cao nhất với 97,36%, đạt 84.967,2 ha; Diện tích trồng màu chiếm tỷ trọng 2,63%, đạt 2.300 ha.
Tính đến nay đã thu hoạch dứt điểm vụ Đông xuân với năng suất lúa đạt năng suất 7,28 tấn/ha, sản lượng 302.791,9 tấn; sản lượng màu được 18.125,2 tấn. Cây ăn trái có diện tích 990,39 ha, trong đó trồng nhiều nhất là các loại như: xoài 545,89 ha; chuối cấy mô 75 ha; nhãn 37 ha; bưởi 32,85 ha; sầu riêng 34,3 ha… Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong 6 tháng đầu năm, thực hiện chuyển đổi 420,5 ha.
Ngành Lâm nghiệp huyện đã tổ chức tuần tra, kiểm tra phòng cháy chữa cháy rừng tổng cộng 157 đợt với 432 lượt người tham gia, kết quả phát hiện 5 vụ vi phạm, đã xử phạt hành chính với số tiền 18 triệu đồng, tịch thu 4,184 m3 gỗ. Cấp phát cây phân tán năm 2023 cho các xã, các đơn vị số lượng 183.803 cây. Tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, toàn huyện tổng đàn bò hiện có 5.477 con, chủ yếu hộ gia đình nuôi; tổng đàn heo 19.664 con, trong đó, hộ gia đình nuôi 9.089 con, doanh nghiệp nuôi 10.575 con (Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Hải An Giang). Tổng đàn gia cầm: 172.720 con gồm: gà 135.540 con; vịt: 37.180 con.
Toàn huyện Tri Tôn có diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 48,18 ha, với số hộ nuôi hiện có 142 hộ (theo số liệu điều tra 01/12/2022), trong đó có 102 hộ nuôi ao hầm, 27 hộ nuôi lồng bè, 13 hộ nuôi giống thủy sản, chủ yếu nuôi cá tra, cá lóc, cá trê... Trong 6 tháng đầu năm đã phát sinh diện tích nuôi mới tại 15 hộ, diện tích 15,03 ha, thể tích 66 m3, 117 m2, số lượng 111.682.000 con (trong đó nuôi cá giống 110 triệu con), đối tượng nuôi cá tra thương phẩm, lươn, cá lóc, ba ba… Thu hoạch được 29 hộ, diện tích 33,43 ha, 218 m3 bè, 49 m2 bồn, sản lượng 753,72 tấn cá các loại và 107 triệu con giống.
Về văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm; chất lượng giáo dục và đào tạo được duy trì, tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động cho các doanh nghiệp, xuất khẩu lao động; công tác chăm sóc - bảo vệ sức khỏe nhân dân đạt kết quả tích cực; các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội - trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ được đảm bảo và ổn định.
Kết quả khả quan của kinh tế - xã hội huyện nhà sẽ là động lực, cơ sở quan trọng để thúc đẩy Tri Tôn xây dựng và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Văn Dương - Hồng ÂnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.