Huyện Tu Mơ Rông - Kon Tum: Tiềm năng du lịch độc đáo và trải nghiệm "quốc bảo" quý hiếm Sâm Ngọc Linh
Từ ngày 6/2, phiên chợ sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với du lịch huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum sẽ chính thức khai mạc. Sự kiện kéo dài đến hết ngày 9/2.
Lễ hội khinh khí cầu "Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 – Bay về đại ngàn" diễn ra từ mùng 6/2 đến 9/2.
Qua những sự kiện của Chương trình Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần thứ 2 huyện Tu Mơ Rông, các nhà đầu tư sẽ nhận ra những tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện Tu Mơ Rông, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Và cũng tại đây, du khách có thể mua những củ sâm chất lượng, chính hiệu và trải nghiệm nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trong khuôn khổ phiên chợ, sẽ có nhiều chương trình, hoạt động hết sức độc đáo, mới lạ.
Cũng trong dịp này, huyện sẽ tổ chức chương trình "Ngày hội khinh khí cầu", nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum năm 2023 với chủ đề "Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 - Bay về Đại Ngàn" được diễn ra trong 4 ngày từ ngày 6 đến 9/2 tại huyện Tu Mơ Rông và TP Kon Tum.
Miền quốc bảo với nhiều tiềm năng quý hiếm
Tu Mơ Rông có điều kiện tự nhiên vô cùng ưu đãi với những thác nước hùng vĩ như: thác Siu Puông, Siu Mô Nam, Tea Prông, Y Hai; hồ thủy điện Đăk Psi, ruộng bậc thang xã Măng Ri, xã Đắk Na. Đặc biệt, huyện Tu Mơ Rông có diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ của rừng chiếm gần 67%, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của các loại cây dược liệu quý hiếm như: Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sơn tra, lan kim tuyến...
Trong đó, cây sâm Ngọc Linh được biết đến là loại dược liệu đặc hữu quý hiếm bậc nhất thế giới. Những tiềm năng này đang tạo cho huyện Tu Mơ Rông nhiều cơ hội để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch trải nghiệm, Du lịch khám phá đỉnh núi Ngọc Linh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...
Bên cạnh đó các lợi thế về văn hoá, lịch sử, nhân văn như: các khu Di tích lịch sử, căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum tại xã Măng Ri; nét đẹp văn hoá riêng của người dân bản địa Xơ Đăng, những lễ hội cồng chiêng; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như: các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng - những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá... là điều kiện hết sức thuận lợi để huyện Tu Mơ Rông phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa, lịch sử.
Hiện nay trên địa bàn huyện hiện có 85/86 thôn làng có nhà rông, trong đó: 43 nhà rông truyền thống, 42 nhà rông làm vật liệu hiện đại, 1 đang bị hư hỏng; 205 bộ cồng chiêng trong cộng đồng và sở hữu của cá nhân; nhiều nhạc cụ truyền thống như đàn Krông Pút, đàn Tơ Rưng, Ting ning... các thôn còn duy trì được nhiều lễ hội đặc sắc như: Bắc máng nước, Mừng lúa mới, Lễ vào Nhà rông...; huyện cũng đã xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2026…
Từ những điều kiện tự nhiên, văn hóa nói trên, có thể thấy, huyện Tu Mơ Rông có vị trí quan trọng và điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng. Từ đó, phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp (gắn với cây sâm Ngọc Linh và dược liệu), du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch văn hóa lịch sử…
Huyện Tu Mơ Rông đã xác định phát triển dược liệu gắn với du lịch là hướng đi đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch; còn rừng thì mới phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu gắn du lịch, không có Sâm Ngọc Linh, không có dược liệu sẽ không còn điểm khác biệt để phát triển du lịch; Phát triển du lịch sẽ là điểm tựa phát triển dược liệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh và hiệu quả nhất.
Tại Hội thảo, nhiều giải pháp được đưa ra để định hướng phát triển bền vững cho địa phương.
Ưu tiên phát triển kinh tế địa phương
"Hội thảo tiềm năng và giải pháp về phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023" có vai trò rất quan trọng, sẽ là nơi để nhà khoa học, đơn vị lữ hành, sở ngành, các lãnh đạo hiệp hội du lịch cộng đồng các tỉnh cùng Viện Phát triển du lịch châu Á bàn luận, hiến kế để khai thác tiềm năng du lịch địa phương. Trên cơ sở đó, huyện sẽ xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống, lưu giữ bản sắc văn hóa người Xơ Đăng của vùng đất anh hùng này.
Từ đó đề xuất các giải pháp, định hướng quản lý, khai thác, phát huy giá trị của các tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện; Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa huyện Tu Mơ Rông, với các huyện trong tỉnh Kon Tum trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động dịch vụ du lịch; hình thành các sản phẩm, tuyến du lịch nội địa. Tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch mang dấu ấn độc đáo, khác biệt, góp phần đưa du lịch huyện Tu Mơ Rông trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài tỉnh; từng bước tạo động lực cho du lịch Tu Mơ Rông phát triển mạnh mẽ, hội nhập cùng du lịch cả nước; kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại huyện Tu Mơ Rông.
Theo bà Lại Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, huyện Tu Mơ Rông có những điều kiện hết sức thuận lợi để có thể phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị dân tộc, phát triển vùng cây dược liệu... bằng nhiều giải pháp như:
Cần xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch áp dụng với nhiều thị trường và các phân khúc thị trường khác nhau hoặc xây dựng các sản phẩm chuyên biệt, chuyên đề. Trong đó, xây dựng các tour tham quan cuối tuần, trải nghiệm văn hóa địa phương, tham gia lễ hội, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên, du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng sâm và cây dược liệu, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao...
Tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh, định kỳ 2 năm/ lần; xây dựng kế hoạch tiếp thị địa phương thông qua các chương trình Hội chợ du lịch, Hội chợ sâm ở trong và ngoài tỉnh; chuẩn bị các sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp, dược liệu để tiếp thị...
Ví dụ, có thể xây dựng một tour du lịch chuyên đề liên quan đến sâm và cây dược liệu: đến Tu Mơ Rông sẽ tham quan vườn sâm, trồng sâm, thu hoạch sâm, chế biến món ăn với sâm; thưởng thức món ăn từ sâm, uống trà lá sâm, làm đẹp bằng sâm; mua quà là các sản phẩm từ sâm sau khi kết thúc chuyến đi tới Tu Mơ Rông...
Huyện Tu Mơ Rông đề ra mục tiêu, đến năm 2025, tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của huyện Tu Mơ Rông; phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum theo hướng du lịch xanh và bền vững gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nông nghiệp công nghệ cao; kết nối du lịch, các vùng du lịch trọng điểm trên cả nước.
Giữ gìn và khai thác tốt tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, có chất lượng đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh.
Phát huy rõ nét vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn, đến 2025, du lịch huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có các sản phẩm du lịch chủ lực, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Việt DũngGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.