Huyện Việt Yên: Tích cực tham gia Chương trình OCOP
Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, từ nhiều năm nay, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã tích cực tham gia Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP). Từ chương trình này, nhiều nông sản của Việt Yên đã có thương hiệu được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Việt Yên, năm 2022, huyện tiếp tục có 6 chủ thể đăng ký 8 sản phẩm tham gia chương trình OCOP bao gồm: Bánh chưng Hạnh Phúc, muối lạc vừng rong biển của Hợp tác xã nông nghiệp Hạnh Phúc; Nấm đông trùng hạ thảo, nấm Vân Chi của Hợp tác xã dịch vụ công nghệ cao Duca; Măng tây xanh của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Việt Yên; Dưa leo Xuân Trường của Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường; Bánh hạt gạo lứt của Hộ Thân Đức Tiến; Sản phẩm Du lịch làng nghề Vân Hà của Hợp tác xã du lịch làng cổ Thổ Hà.
Chính nhờ hướng đi đúng đắn này mà Việt Yên đang ngày càng thay da đổi thịt nhờ kinh tế khởi sắc và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.
Tạo thương hiệu và gắn sao lên sản phẩm OCOP
Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình OCOP của huyện Việt Yên, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Việt Yên đã rà soát, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia Chương trình OCOP. Phòng tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, tư vấn các chủ thể sản xuất hoàn thiện các nội dung theo tiêu chí sản phẩm OCOP.
Từ 2019 đến nay toàn huyện Việt Yên có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao. Với 8 sản phẩm đăng ký năm 2022, huyện phấn đấu có 4-5 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Ông Ngô Đăng Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Việt Yên thông tin: "Để hướng dẫn các chủ thể tham gia OCOP chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và các cán bộ chuyên môn của huyện cử các chủ thể đi tham gia tập huấn, trực tiếp đến các cơ sở để tư vấn cùng với các chuyên gia. Hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện các nội dung còn thiếu theo tiêu chí đối với các sản phẩm, hoàn thiện các hồ sơ theo quy định"
Theo đuổi chiến lược nông nghiệp sạch
Sản phẩm muối lạc vừng rong biển và bánh chưng Hạnh Phúc của Việt Yên hiện đang không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân địa phương mà còn được tiêu thụ tại nhiều siêu thị ở miền Bắc. Các sản phẩm của HTX Hạnh Phúc đều tuân theo quy trình sản xuất đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì nhãn mác rõ ràng.
Bà Lê Hồng Vân, Chủ nhiệm HTX Hạnh Phúc cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi tuân theo quy trình sản xuất để đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó hoàn thiện bao bì nhãn mác, đạt các tiêu chí, thuận tiện cho người tiêu dùng. Đảm bảo việc trải nghiệm sản phẩm của khách hàng được tốt nhất…".
Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường có những thành công quan trọng từ việc trồng dưa lưới, dưa leo trong nhà màng. Dưa được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap và đã được đăng ký tem truy suất nguồn gốc và tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Bắc Giang và Hà Nội.
Với mục tiêu tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch có giá trị, OCOP đang không chỉ giúp các chủ thể xây dựng thương hiệu mà còn giúp họ tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, an toàn cung cấp đến người tiêu dùng.
Đồng hành cùng các chủ thể
Để đưa các sản phẩm OCOP nói chung, sản phẩm của các HTX nói riêng đến với người tiêu dùng, UBND huyện Việt Yên đã thực hiện hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP xây dựng website thương mại điện tử bao gồm: HTX Nông nghiệp Hạnh Phúc; HTX dịch vụ công nghệ cao Duca. Đồng thời tăng cường quảng bá, hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, các buổi gặp gỡ, kết nối nhằm tìm lối ra cho các sản phẩm chất lượng của huyện. Điển hình như: hỗ trợ đưa 09 sản phẩm OCOP của huyện tham gia Hội trợ OCOP Quảng Ninh hè 2022; Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022 tại tỉnh Sơn La nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Việt Yên nói riêng với mục tiêu thúc đẩy nhanh phát triển Chương trình OCOP còn có một loạt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX, chủ thể sản xuất tham gia phát triển các sản phẩm OCOP.
Về vốn, khi tham gia phát triển các sản phẩm OCOP, HTX, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi theo chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.
Về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, huyện hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, thiết bị chế biến sâu, ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cấp các chứng nhận về quy trình sản xuất để chủ thể tự tin đưa các sản phẩm đi xa hơn và xuất khẩu.
Với quyết tâm đưa các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng được "bay cao, bay xa" hơn, Việt Yên đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết số 162 ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về xây dựng và phát triển huyện Việt Yên trở thành thị xã vào năm 2025 trên lĩnh vực nông nghiệp.
Kể từ năm 2018 đến nay, Việt Yên đã không ngừng phát triển các đặc sản làng nghề, với các nhóm sản phẩm đa dạng, bao gồm: các loại bánh, sản phẩm làm từ gạo, lạc (bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà, mỳ gạo Thổ Hà, bánh phồng gạo TaiKi, bánh thập cẩm Bình Minh, Bánh khoai lang Bình Minh…); các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt bò, thịt gà (giò lụa Vân Hà, Giò bò Phúc Lâm…); các sản phẩm nông sản rau, củ, quả (dưa lưới, dưa hấu, dưa chuột, rau ăn lá, rau an thân, rau ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap); nấm và các sản phẩm từ nấm cao cấp; Đồ uống: rượu nếp cái hoa vàng, rượu hấp cúc Việt Yên; Đồ lưu niệm, nội thất, trang trí: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre đan, gốm sứ, dệt may… làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng; sản phẩm từ thảo dược...
Giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (10/10) sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.