Huyện Yên Thế: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tạo hướng đi bền vững
Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, lại được thiên nhiên ưu đãi, cùng với đó là lợi thế về đất nông nghiệp, lâm nghiệp,… đang tạo ra ưu thế lớn để Yên Thế, tỉnh Bắc Giang gắn phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng với nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi và du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm mũi nhọn của địa phương.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thế xác định: phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng nhiều kế hoạch, chương trình hành động với định hướng phát triển: "Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của huyện, phấn đấu đưa Yên Thế phát triển nhanh và bền vững. Ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn liền với sản xuất tập trung, nhất là đối với các sản phẩm có thế mạnh của địa phương là rừng trồng, chè, cây ăn quả, gà đồi..."
Tận dụng thế mạnh chăn nuôi
Xây dựng thương hiệu Gà đồi Yên Thế chính là cách làm hay và đúng đắn của Yên Thế trong nhiều năm gần đây và nó đã trở thành con vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý.
Với hai giống chủ lực là gà Mía và gà Ri lai, huyện Yên Thế thường xuyên duy trì đàn gà từ 4 -4,5 triệu con, hàng năm xuất bán hơn 14 triệu con gà với sản lượng thịt xuất chuồng 20 nghìn tấn, gần 10 triệu quả trứng. Doanh thu đem lại từ chăn nuôi gà đạt hơn 1500 tỷ đồng. Hiện nay, gà đồi Yên Thế không còn là sản phẩm chủ lực của địa phương mà đã trở thành sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, mang tầm quốc gia. Nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước là Lào, Trung Quốc và Singapore. Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng. Mới đây nhất, năm 2019, thương hiệu "Gà đồi Yên thế" đạt danh hiệu "Sản phẩm - dịch vụ xuất sắc" và "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam".
Song song với việc phát triển sản phẩm Gà đồi, huyện Yên Thế đã quan tâm khai thác dư địa trong phát triển chăn nuôi ở địa phương, đặc biệt quan tâm phát triển đàn dê với việc xây dựng và ban hành Đề án Phát triển chăn nuôi dê thương phẩm, gắn với xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận Dê Yên Thế giai đoạn 2019-2020. Đàn Dê của huyện hiện có trên 13 nghìn con, trong đó có trên 100 hộ chăn nuôi quy mô lớn thường xuyên từ 50 con trở lên, có hộ nuôi đến 150 – 300 con, tập trung tại các xã vùng cao là Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Vương, Đồng Tiến, Hồng Kỳ, Đồng Hưu. Sản phẩm dê thương phẩm của huyện đã đến được với các thị trường tiêu thụ lớn như: Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng. Với hình ảnh đặc trưng cho một nét văn hóa ở huyện miền núi Yên Thế, hàng năm, lễ hội chọi dê thường được tổ chức trong lễ hội truyền thống của huyện, của các địa phương trong huyện và ở các hoạt động văn hóa nổi bật.
Ngoài ra, với lợi thế về diện tích cây ăn quả, cây lâm nghiệp lớn và một số cây rừng khác... huyện Yên Thế còn tập trung đẩy mạnh phát triển đàn ong lấy mật. Toàn huyện hiện có hàng trăm hộ đang làm nghề nuôi ong lấy mật, trong đó chủ yếu phát triển các giống ong nội, có chất lượng mật cao. Tổng đàn ong của địa phương hiện có đạt trên 8.000 đàn với khoảng 60 tấn mật mỗi năm. Và ngay từ năm 2011, Cục sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận sở hữu nhãn hiệu cho sản phẩm "Mật ong hoa rừng" của Yên Thế.
Phát huy lợi thế cây trồng
Với 31% diện tích đất nông nghiệp, Yên Thế hiện đang rất chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng các vùng tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, trong đó, cây chè được xác định là sản phẩm chủ lực. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung sản xuất theo quy trình Vietgap, quy trình hữu cơ gắn với bí quyết, kỹ thuật của người dân tộc Cao Lan.. Sản lượng búp chè tươi đạt 4300 tấn mỗi năm... Năm 2018, sản phẩm "Chè khô Yên Thế" đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu...
Tận dụng thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, những năm qua, huyện Yên Thế còn chú trọng khai thác tiềm năng, phát triển các vùng cây ăn quả mà trọng điểm là cây nhãn và cây có múi theo hướng hàng hóa. Đề án sản xuất cây ăn quả an toàn mà huyện Yên Thế tập trung trong vài năm gần đây đang khẳng định hiệu quả trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và hiệu quả kinh tế trực tiếp cho người nông dân.
Cùng với đó, Yên Thế cũng xác định phát triển lâm nghiệp là một ngành mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế của huyện. Trên địa bàn huyện hiện đã hình thành vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao với sản lượng cây giống hàng năm cung cấp ra thị trường từ 15-20 triệu cây; mỗi năm trồng mới trên 1.100ha rừng tập trung và trên 300.000 cây phân tán. Diện tích rừng có thể phát triển thành rừng gỗ lớn là trên 350 ha/năm, sản lượng gỗ rừng kinh tế hàng năm đạt trên 100.000m3.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Với khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, cùng bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, Yên Thế có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Yên Thế có 9 địa điểm gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cùng với các công trình văn hóa dân gian thu hút khách thập phương đến viếng lễ, vãn cảnh. Lễ hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Thế được tổ chức hàng năm từ ngày 15-17/3 là một trong hai lễ hội lịch sử lớn nhất của tỉnh Bắc Giang và trở thành hoạt động có ý nghĩa lịch sử to lớn, luôn thu hút được đông đảo du khách thập phương trong và ngoài tỉnh… Ngoài ra, các khu du lịch sinh thái cũng đang nở rộ thu hút đông đảo khách du lịch cả nước.
Bám sát chủ trương về phát triển nông nghiệp nông thôn cũng như phát huy được thế mạnh của địa phương, trong định hướng phát triển, huyện Yên Thế tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch bền vững. Huyện Yên Thế cũng sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các điểm du lịch, đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái miệt vườn. Yên Thế đang hướng đến mục tiêu nông nghiệp trù phú, nông thôn đặc trưng và người nông dân có vị thế.
Phát triển kinh tế nông nghiệp chăn nuôi, trồng trọt với kinh tế du lịch đang mở ra cho Yên Thế hướng đi bền vững, tươi sáng, đem đến sự thay da đổi thịt cho vùng đất linh thiêng Yên Thế của vùng Tây Bắc tỉnh Bắc Giang.
Lê MạnhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.