Huyệt Ngoại Quan là gì? Vị trí và công dụng của huyệt ngoại quan

Tư vấn kiến thức
01:54 PM 26/07/2021

Theo Y học cổ truyền huyệt Ngoại Quan có tác dụng tốt trong việc giải biểu, khu đờm, đả thông kinh lạc. Vậy huyệt Ngoại Quan là gì? Nó nằm ở vị trí nào, công dụng cụ thể ra sao và đâu là cách trị liệu hiệu quả nhất?

Nội dung:
  • 1. Huyệt Ngoại Quan là gì? Ý nghĩa tên gọi huyệt Ngoại Quan
  • 2. Vị trí huyệt Ngoại Quan nằm ở đâu?
  • 3. Công dụng của huyệt Ngoại Quan trong trị liệu
  • 4. Các phương pháp trị liệu hiệu quả
  • 4.1. Châm cứu huyệt
  • 4.2. Cách bấm huyệt
  • 5. Một số lưu ý khi tác động lên huyệt Ngoại Quan

Theo Y học cổ truyền trên cơ thể con người có tất cả 356 huyệt đạo. Trong đó có 108 đại huyệt và 257 tiểu huyệt. Ngoại Quan là huyệt vị quan trọng nằm trong hệ thống 108 đại huyệt. Huyệt Ngoại Quan có sự kết nối với nhiều đường kinh mạch khác trên cơ thể. Chính vì thế nó mang đến hiệu quả điều trị bệnh vô cùng đa dạng. Dưới đây là thông tin chi tiết về huyệt Ngoại Quan, cách xác định vị trí, công dụng cũng như phương pháp trị liệu thường gặp.

1. Huyệt Ngoại Quan là gì? Ý nghĩa tên gọi huyệt Ngoại Quan

Ngoại Quan là một trong những huyệt quan trọng nằm trên đường Kinh Tam Tiêu. Huyệt có tên là Ngoại Quan bởi nó nằm ở ngay trên cánh tay, ở phía ngoài huyệt nội quan.

Về ý nghĩa tên gọi, Ngoại có nghĩa là bên ngoài, Quan là cửa ải. Ngoại Quan có nghĩa là huyệt nằm ở mặt ngoài cẳng tay, khi các đường kinh mạch đi tới đây giống như qua một cửa ải với hai đường gân lớn.

Huyệt Ngoại Quan là huyệt thứ 5 của kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu với các đặc tính cơ bản như:

Là huyệt lạc có vai trò nối liền kinh Tam Tiêu với kinh Tâm Bào. Đồng thời là huyệt giao hội của kinh Thiếu Dương với mạch Dương Duy. Ngoài ra nó còn là huyệt Biểu Tẩu của kinh Quyết Âm.

Huyệt Ngoại Quan nằm ở vị trí đặc biệt. Nó là nơi kết nối của kinh Tam Tiệu với các đường kinh mạch quan trọng khác trên cơ thể. Chính vì thế, khi tác động lên huyệt nó có khả năng điều hòa khí huyết trên các đường kinh mạch mang lại hiệu quả điều trị bệnh tối ưu nhất. Đặc biệt là điều trị các bệnh về xương khớp tay.

Huyệt Ngoại Quan là gì? Vị trí, công dụng và cách trị liệu hiệu quả - Ảnh 1.

Ví trí huyệt Ngoại Quan - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Huyệt Kiên Tỉnh là gì? Vị trí, công dụng và cách trị bệnh thường gặp

Huyệt Đầu Duy nằm ở đâu? Huyệt Đầu Duy có vai trò gì với sức khoẻ?

2. Vị trí huyệt Ngoại Quan nằm ở đâu?

Giống như các huyệt vị khác, để điều trị bệnh an toàn và huyệt quả chúng ta cần xác định đúng vị trí của huyệt Ngoại Quan. Cụ thể huyệt Ngoại Quan nằm trên lằn cổ tay khoảng 2 thốn.

Huyệt Ngoại Quan nằm mặt sau cẳng tay, cách đường lằn chỉ trên cổ tay khoảng 2 thốn, tính từ huyệt Dương Trì đo lên. Cụ thể nó nằm ngay tại chỗ lõm giữa xương quay và xương trụ (mặt giữa sau của cánh tay).

Khi giải phẫu vùng huyệt Ngoại Quan, phía dưới da vùng huyệt là khe giữa các cơ duỗi dài riêng ngón cái. Các cơ duỗi chung ngón tay ở ngoài, các cơ duỗi riêng ngón tay út và các cơ duỗi riêng ngón tay trỏ ở trong mang gian cốt.

Tiết đoạn thần kinh C7 chi phối da vùng huyệt. Các nhánh dây thần kinh quay có vai trò là dây thần kinh vận động cơ.

3. Công dụng của huyệt Ngoại Quan trong trị liệu

Khi tác động một cách chính xác lên huyệt Ngoại Quan sẽ mang đến nhiều tác dụng trong trị liệu. Cụ thể là nó giúp phát huy tác dụng giải biểu nhiệt (thanh nhiệt ở thượng tiêu), thông khí trệ, khu đờm.

Do đó, châm cứu hoặc bấm huyệt ngoại quan sẽ mang lại hiệu quả tốt trong điều trị bệnh đau đầu, liệt tay, run tay, đau nhức khuỷu tay, căng cứng cổ vai gáy, ù điếc tai,...trong phạm vi tại chỗ theo đường kinh.

Đối với phạm vi toàn thân, khi tác động lên huyệt Ngoại Quan có tác dụng giải nhiệt ngoại cảm, tràng nhạc, điều trị đau thần kinh gian sườn. Trị khớp tay chân sưng đau, đau xương trong và ngoài đùi. Trị đau lưng, đau đầu do trúng gió. Hỗ trợ điều trị ra mồ hôi trộm, mắt lở loét, sưng đau,...

Ngoài ra khi phối huyệt Ngoại Quan với các huyệt khác còn giúp tăng cường hiệu quả điều trị lên gấp nhiều lần như:

Phối với huyệt Hội Tông trị ù tai. Kết hợp với huyệt Khúc Trì và Thiên Tỉnh trị cánh tay teo, tê, liệt. Kết hợp với huyệt Thái Uyên, Nội Đình, Thương Khâu, Túc Tam Lý trị liệt miệng, miệng không mở được. Kết hợp với huyệt Hậu Khê trị đau mắt và đau đầu. Kết hợp với huyệt Dương Lăng Tuyền, Khúc Trì, Phong Thị, Thủ Tam Lý và Tam Âm Giao trị đau chân tay do phong thấp,...

Huyệt Ngoại Quan là gì? Vị trí, công dụng và cách trị liệu hiệu quả - Ảnh 2.

Huyệt Ngoại Quan có tác dụng trị liệu nhiều bệnh lý trên cơ thể người - Ảnh: Internet

4. Các phương pháp trị liệu hiệu quả

Có hai phương pháp tác động lên huyệt Ngoại Quan là châm cứu và bấm huyệt. Trong đó, châm cứu tác động sâu hơn và mang lại hiệu quả chữa bệnh tốt hơn. Tuy nhiên phương pháp châm cứu đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, người thực hiện phải có chuyên môn cao và kinh nghiệm điều trị. Còn phương pháp bấm huyệt tác động ở mức đơn giản hơn, đồng thời chỉ mang lại hiệu quả với các trường hợp bệnh nhẹ.

4.1. Châm cứu huyệt

Châm cứu trị liệu huyệt Ngoại Quan mặc dù mang lại hiệu quả cao nhưng lại rất nguy hiểm nếu người thực hiện không có chuyên môn và kinh nghiệm. Chính vì thế khi tiến hành phương pháp trị liệu này người bệnh cần hết sức thận trọng.

Thao tác châm cứu huyệt Ngoại Quan được thực hiện như sau:

Người bệnh cần chuẩn bị tư thế thoải mái nhất, nên nằm hoặc ngồi tựa lưng. Tiến hành châm thẳng kim từ 0.5 - 1 thốn hoặc xiên qua huyệt Nội Quan. Cứu 3 - 5 tráng, ôn cứu từ 5 - 10 phút.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn trong quá trình châm cứu người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

- Không thực hiện châm cứu vào vùng da đang bị tổn thương, lở loét hoặc vết thương hở.

- Không châm cứu khi quá no hoặc quá đói vì có thể gây hại cho dạ dày.

- Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu không nên châm cứu vì có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai.

- Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiến hành trị liệu bằng cách châm cứu huyệt Ngoại Quan. Chỉ tiến hành khi bác sĩ đồng ý và cần thực hiện đúng mọi nguyên tắc khi châm cứu.

Huyệt Ngoại Quan là gì? Vị trí, công dụng và cách trị liệu hiệu quả - Ảnh 3.

Châm cứu huyệt Ngoại Quan - Ảnh: Internet

4.2. Cách bấm huyệt

Phương pháp trị liệu bằng cách bấm huyệt Ngoại Quan chỉ được áp dung với những trường hợp bệnh nhẹ. Các bấm huyệt cũng đơn giản hơn so với châm cứu.

Để bấm huyệt Ngoại Quan bạn cần úp bàn tay trái xuống. Sau đó đưa bàn tay phải nắm lấy cổ tay trái. Ngón tay cái đặt lên vị trí huyệt Ngoại Quan. 4 ngón tay còn lại đỡ bên dưới cẳng tay, dùng ngón cái bấm huyệt với lực vừa phải.

Cứ bấm 2 giây lại thả 1 giây, thực hiện liên tục cho đến khi người bệnh có cảm giác mỏi và buồn buồn tại vùng huyệt thì đổi tay. Tiến hành bấm huyệt mỗi bên tay khoảng 5 phút để mang lại hiệu quả tốt nhất.

5. Một số lưu ý khi tác động lên huyệt Ngoại Quan

Khi tác động lên huyệt Ngoại Quan cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn để tránh nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Dưới đây là một số điều cần lưu ý:

- Không châm cứu hoặc bấm huyệt cho phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh ngoại khoa hoặc có thể trạng yếu.

- Không tác động lên huyệt khi da vùng huyệt đang bị tổn thương, có vết thương hở, quá đói hoặc quá no, sau khi uống rượu bia, sử dụng chất kích thích.

- Sát khuẩn tay, da vùng huyệt và kim châm trước khi châm cứu hoặc bấm huyệt.

Công dụng lớn nhất của huyệt Ngoại Quan là chủ trị đau đầu, cảm mạo và các bệnh xương khớp. Điều trị bằng phương pháp bấm huyệt có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông Y trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình.


HT
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.