ICAEW: Dù Covid-19 quay lại, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,6% năm 2021, dẫn đầu khu vực

Đầu tư và Tiếp thị
02:24 PM 08/06/2021

Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics đã có những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á mới nhất.

Theo báo cáo, dù Covid-19 đang trở lại nhưng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn lạc quan và nền kinh tế dự báo sẽ trở lại mức như trước Covid-19 trong nửa cuối năm 2021, trong đó GDP dự báo sẽ tăng 7,6% trong năm 2021, cao nhất trong toàn khu vực.

Tăng trưởng của Việt Nam sẽ trở lại sau khi các hạn chế được dỡ bỏ

Theo báo cáo, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế thế giới tăng trưởng trong năm 2020 nhờ thành công trong việc chống dịch. Thành công sớm này giúp nền kinh tế hưởng lợi từ sự gia tăng hoạt động kinh doanh toàn cầu và nhận đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo và xuất khẩu.

Singapore và Việt Nam kỳ vọng tiếp tục dẫn đầu phục hồi kinh tế trong khu vực. Dù sự trở lại của làn sóng Covid-19 ở Việt Nam đang ảnh hưởng đến công nghiệp sản xuất và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam dự báo vẫn sẽ tăng trưởng nhanh một khi các hạn chế được dỡ bỏ. 

ICAEW: Dù Covid-19 quay lại, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,6% năm 2021, dẫn đầu khu vực - Ảnh 1.

Tương tự, thành công của Singapore trong việc triển khai vắc xin đóng góp lớn vào triển vọng lạc quan của đảo quốc này, là nước duy nhất trong khu vực hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng cuối 2021. GDP của Singapore ước sẽ tăng 6,4% sau khi sụt giảm 5,4% trong năm 2020, dù khả năng sẽ có gia hạn Báo động cao giai đoạn 2.

GDP của Đông Nam Á sẽ tăng mạnh đến 4,8% trong năm 2021

Báo cáo Triển vọng Kinh tế của Oxford Economics do ICAEW ủy quyền dự báo, GDP của Đông Nam Á sẽ tăng mạnh đến 4,8% trong năm 2021 sau khi giảm 4,1% trong năm 2020. Việc tăng trưởng này là do có sự cải thiện trong các hoạt động kinh doanh toàn cầu, kinh tế vĩ mô có điều tiết, hỗ trợ liên tục từ ngân sách chính phủ và lãi suất thấp trong toàn khu vực. Tăng trưởng được dự báo sẽ lên đến 6,5% trong năm 2022 khi các nước dần đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng và sự phục hồi sẽ đồng bộ hơn trong toàn thể các ngành kinh tế.

Các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tiếp tục chứng kiến tốc độ hồi phục khác nhau trong năm 2021, được dẫn dắt bởi năng lực của các quốc gia trong việc khống chế làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới và thành công của họ trong việc mua và phân phối vắc xin. Bất ổn vẫn còn đó do mức độ hồi phục phụ thuộc vào tiến độ triển khai vắc xin và khả năng phong tỏa cao hay thấp trong ngắn hạn. Tuy vậy, Báo cáo triển vọng kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng hồi phục toàn Đông Nam Á trong trung hạn và dài hạn.

Đa phần các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phục hồi nhanh nửa cuối năm 2021

Tăng trưởng GDP liên tục của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực trong Quý 2 ước sẽ yếu hơn trong Quý 1, do các hạn chế khắt khe hơn sẽ ảnh hưởng đến các ngành nhạy cảm vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực do giãn cách xã hội hoặc tiêu dùng gia đình giảm.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, các chính sách kinh tế vĩ mô có điều tiết và sự gia tăng kinh doanh trên thế giới giúp đa phần Đông Nam Á vẫn sẽ đạt tăng trưởng GDP ấn tượng trong năm nay. Việc nới lỏng các hạn chế trong tháng Sáu và tháng Bảy ở đa số các nước sẽ thúc đẩy cải thiện kinh tế trong nửa cuối năm nay. Ngoài Philippines và Thái Lan, hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á hy vọng sẽ trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19 trong năm nay, trong đó Singapore và Malaysia sẽ ghi nhận mức tăng GDP từ 2% đến 2,5% cao hơn mức trước Covid-19.

Các đợt phong tỏa mới đây tại Singapore, Việt Nam và Malaysia cho thấy tiêu dùng gia đình giảm trong quý 2/2021. Tuy nhiên mức giảm không nhiều do các hộ và các doanh nghiệp đã trang bị số hóa nhằm tăng khả năng làm việc và mua bán từ xa. Các chính phủ cũng dùng nhiều hơn các biện pháp có chủ đích hơn là phong tỏa cả nước nhằm tối giảm việc gián đoạn sản xuất.

Chính phủ Singapore đã giới thiệu thêm các hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu như chế tạo đồ điện tử, bán dẫn và dược phẩm hy vọng cũng sẽ đóng góp vào tăng trưởng trong quý 3 và về sau, nhờ vào việc phục hồi mạnh mẽ toàn cầu.

ICAEW: Dù Covid-19 quay lại, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,6% năm 2021, dẫn đầu khu vực - Ảnh 2.

"Trong lúc mọi nền kinh tế Đông Nam Á đều chịu một đợt tăng các ca Covid-19 từ đầu năm 2021, dẫn đến việc thực thi các biện pháp giãn cách xã hội, điều này tuy có làm suy yếu nhưng không ngăn cản được năng lực hồi phục kinh tế toàn khu vực", ông Mark Billington, Giám đốc điều hành quốc tế của ICAEW, nói. "Sự quyết tâm và tốc độ tiêm vắc xin của các quốc gia sẽ tiếp tục là thước đo quan trọng cho tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng rằng, các nước có khả năng khắc phục Covid-19 và đạt tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ vượt qua các nước khác trong khu vực và sẵn sàng cho việc phục hồi".

Các bất ổn làm ảnh hưởng đến việc hồi phục sau đại dịch vẫn còn đó, như hiệu quả của vắc xin trong ngăn chặn lây lan của các biến thể coronavirus mới, sự e dè của người dân và sự trở lại của lạm phát, đều làm chậm tăng trưởng GDP. Lo ngại về lạm phát tiếp đà tăng từ đầu năm 2021, và sẽ còn tăng trong vài tháng tới trong toàn khu vực. Lạm phát ở Philippines ước sẽ giữ cao ở mức 4% cho cả năm, còn lạm phát ở Malaysia đã là 3,4%.

Dự báo kinh tế được trình bày bởi Sian Fenner, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Châu Á của Oxford Economics, tại Diễn đàn kinh tế khu vực ICAEW mới đây. Cùng với Sian là các chuyên gia gồm Kon Yin Tong, Chủ tịch của viện ISCA (Singapore), Geoff Howie, Chiến lược gia thị trường của Singapore Exchange, và Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của KPMG Việt Nam và Cambodia, đã có cuộc thảo luận sâu về triển vọng tăng trưởng toàn khu vực.

 Tổng lãnh sự Anh tại thành phố Hồ Chí Minh, Bà Emily Hamblin, cũng đã có những chia sẻ mở đầu diễn đàn vô cùng hữu ích và tích cực về các mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và các quốc gia trong khu vực.

Nhã Mi
Ý kiến của bạn