IEA: Dầu thô khó bước vào siêu chu kỳ tăng giá
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) không kỳ vọng giá dầu sẽ bước vào một "siêu chu kỳ" - một thời kỳ kéo dài trong đó giá dầu tăng cao hơn nhiều so với xu hướng dài hạn.
Theo báo cáo hàng tháng gần đây của IEA: "Việc giá dầu tăng vọt lên vùng 70 USD/thùng gần đây đã làm dấy lên cuộc thảo luận về một siêu chu kỳ mới và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu. Nhưng dữ liệu và phân tích của chúng tôi cho thấy điều ngược lại".
Một số nhà phân tích gần đây dự báo giá dầu sẽ leo lên ngưỡng 100 USD/thùng khi đại dịch COVID-19 được khống chế, các nền kinh tế mở cửa trở lại và hoạt động đi lại trên toàn cầu được nối lại.
Tuy nhiên, IEA - tổ chức với nhiệm vụ theo dõi các xu hướng thị trường năng lượng cho các quốc gia giàu nhất thế giới - lại cho rằng đang có quá nhiều dầu trên thị trường toàn cầu để một "siêu chu kỳ" giá dầu có thể hình thành.
"Đầu tiên, lượng dầu tồn kho có vẻ vẫn còn nhiều so với mức trung bình lịch sử, cho dù lượng dầu thừa khổng lồ tích tụ trong nửa sau của năm 2020 đang giảm dần đều", báo cáo viết.
IEA cũng nhắc đến quyết định của OPEC+ về kéo dài việc hạn chế sản lượng khai thác dầu. Đầu tháng này, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối tuyên bố sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng cho tới khi kinh tế toàn cầu đạt tới sự phục hồi vững chắc.
"Một lượng lớn công suất khai thác dầu đã được đưa vào dự trữ do OPEC+ hạn chế sản lượng", IEA nhận định về khả năng nguồn cung dầu có thể tăng mạnh mẽ trở lại khi phần công suất "ngủ đông" này được đưa vào hoạt động trở lại.
Việc giá dầu tăng mạnh thời gian qua khiến một số nước sản xuất dầu tin rằng việc hạn chế sản lượng đã giúp tạo ra một chỗ đứng vững chắc nâng đỡ giá dầu, sau khi giá năng lượng này sụt xuống dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4 năm ngoái. Dù vậy, OPEC+ vẫn thận trọng và quyết định chưa vội nâng sản lượng.
Năm ngoái, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày. Các biện pháp khẩn cấp cùng với việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất Mỹ và các nước khác, đã thúc đẩy giá tăng mạnh. Sự phục hồi đó đã tăng mạnh hơn trong những tháng gần đây khi hàng triệu người trên thế giới đã được tiêm vắc xin ngăn ngừa COVID-19.
Tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz Bin Salman nói rằng "chưa thể nói trước điều gì" về tương lai của thị trường dầu lửa.
"Khi phải đối mặt với sự khó lường và bấp bênh như thế này, bạn có thể có những lựa chọn khác nhau. Tôi thuộc về trường phái thận trọng và giải quyết mọi thứ theo hướng đề phòng. Tôi chỉ tin vào sự phục hồi của thị trường khi tôi tận mắt chứng kiến", ông Abdulaziz Bin Salman nói.
IEA kỳ vọng việc OPEC+ hạn chế sản lượng khai thác dầu sẽ giúp giảm lượng dầu tồn kho trên toàn cầu, nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó chưa xảy ra.
Nhung T. (Theo CNN)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.