iHanoi được người dân đánh giá cao nhờ tính tiện dụng và hiệu quả xử lý
Sau gần hai tháng vận hành, ứng dụng iHaNoi đã trở thành kênh kết nối hữu ích giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội.
Trung tâm Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình thực hiện ứng dụng iHanoi (tuần 06, tính đến hết ngày 8/8/2024).
Theo đó, tính đến ngày 8/8/2024, ứng dụng iHanoi đã có hơn 2.350 phản ánh kiến nghị hiện trường. Trong đó, 1.654 phản ánh kiến nghị được xử lý, đạt 70,4%; 180 phản ánh kiến nghị đã từ chối (7,6%); 272 phản ánh kiến nghị đang xử lý (11,6%); 244 phản ánh kiến nghị đang chờ xử lý (10,4%).
Về tình hình giải quyết phản ánh kiến nghị thủ tục hành chính, đến ngày 8/8, có 247 phản ánh kiến nghị. Trong đó, 42 phản ánh chờ xử lý (17%); 99 phản ánh chuyển xử lý (40,1%); 23 phản ánh đã xử lý (9,3%); 83 phản ánh đã từ chối. Số phản ánh từ chối hầu hết do đề nghị giải quyết khiếu nại về thủ tục đất đai; gửi thông tin không rõ ràng.
Về công tác triển khai hoàn thiện ứng dụng, hiện đã bổ sung 40 điểm camera giao thông trên ứng dụng iHanoi. Dự kiến, TP. Hà Nội sẽ sớm hoàn thiện đọc mã QR code của thẻ CCCD; hoàn thiện chức năng tiếp nhận sáng kiến Thủ đô; đưa ví điện tử vào phục vụ thanh toán trực tuyến…
Theo Văn phòng UBND TP. Hà Nội, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện, hoàn thành đúng hạn. Cụ thể, tháng 7/2024 có 1.441 phản ánh kiến nghị. Trong đó, 135 phản ánh kiến nghị quá hạn, chiếm 11,07%. Trong 8 ngày đầu tháng 8/2024 có 1.012 phản ánh kiến nghị; chưa có phản ánh nào quá hạn.
Văn phòng UBND TP. Hà Nội cũng đã tổ chức cấp, tạo tài khoản cho công chức, viên chức trong Thành phố: 61/61 cơ quan, đơn vị (30 quận, huyện, thị xã và 31 sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc) đã tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị hiện trường trên iHanoi. Đồng thời, triển khai hướng dẫn, bàn giao quyền quản trị cho phép tạo mới, phân quyền tài khoản cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết, xử lý phản ánh kiến nghị.
Rà soát ý kiến đánh giá phản ánh kiến nghị của người dân về mức độ hài lòng, chấp nhận vẫn chiếm tỷ lệ ổn định khoảng 65,6%; mức độ chưa hài lòng chiếm tỷ lệ khoảng 34,4%; kết quả số phản ánh kiến nghị được người dân đánh giá chưa hài lòng, theo đánh giá khách quan có khoảng 10% trong số đó thực sự chưa đạt yêu cầu. Do hầu hết cung cấp nội dung kết quả xử lý người dân còn chung chung, chưa có hình ảnh hoặc văn bản chứng minh; hoặc quên không đánh câu trả lời.
Tại UBND các quận/huyện/thị xã, đầu mối điều phối phản ánh kiến nghị hiện trường là Văn phòng HĐND và HĐND các quận/huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Ba Vì, Chương Mỹ, Hoài Đức,... hoặc Ban Tiếp công dân quận/huyện. Tại Sở, ban, ngành, đầu mối điều phối phản ánh, kiến nghị hiện trường là Văn phòng.
Như vậy, sau gần hai tháng vận hành, ứng dụng iHaNoi đã trở thành kênh kết nối hữu ích giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội. Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng cung cấp thông tin toàn diện, tạo kênh kết nối nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Văn phòng UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu để thiết kế giao diện quản lý thuận tiện hơn; tổ chức đào tạo, hướng dẫn cán bộ công nghệ thông tin, các lực lượng tham gia triển khai ứng dụng iHanoi tại cấp cơ sở. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung một số tính năng trên ứng dụng iHanoi.
Ngoài ra, Văn phòng UBND TP. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng ứng dụng iHanoi cho người dân. Các hoạt động truyền thông sẽ được triển khai đa dạng, từ việc tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn trao đổi, đến việc cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết qua các kênh thông tin truyền thông.
Huyền MyTheo đề xuất mới, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).