iHaNoi: Kết nối người dân với làng nghề truyền thống

Tiếp thị
02:55 PM 28/06/2024

Chỉ cần vài thao tác đơn giản qua thiết bị điện thoại thông minh, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) giúp người dân kết nối với các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống.

Sáng 28/6, tại Hội nghị Sơ kết 06 tháng đầu năm 2024 thực hiện thí điểm Đề án 06, UBND TP. Hà Nội đã công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố, nổi bật là ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân.

iHaNoi: Kết nối người dân với làng nghề truyền thống- Ảnh 1.
iHaNoi: Kết nối người dân với làng nghề truyền thống- Ảnh 2.
iHaNoi: Kết nối người dân với làng nghề truyền thống- Ảnh 3.
iHaNoi: Kết nối người dân với làng nghề truyền thống- Ảnh 4.

Bản đồ OCOP trong ứng dụng iHanoi giúp người dân kết nối với các sản phẩm, làng nghề truyền thống chỉ cần vài thao tác đơn giản qua thiết bị điện thoại thông minh. Ảnh: An Mai

Ứng dụng iHanoi được kỳ vọng là công cụ hữu ích đối với người dân và du khách khi đến Hà Nội, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin và nhiều tiện ích đáng chú ý khác.

Trong đó, tính năng Bản đồ OCOP đang thu hút sự chú ý khi người dân có thể tra cứu các sản phẩm OCOP theo từng khu vực, xem thông tin sản phẩm, thông tin nhà cung cấp sản phẩm; Làng nghề - người dân có thể xem thông tin về hơn 300 làng nghề hiện có ở Hà Nội; Truy xuất nguồn gốc - người dân có thể quét mã QR trên các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm để xem thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm.

Khi sử dụng bản đồ OCOP trong ứng dụng iHanoi, người dùng được chỉ dẫn đến những sản phẩm gần nhất, như: Bánh rán mặn Gia Trịnh; Bánh nướng cốm; Chả cốm Đình Dũng; Chả cốm; Bánh đa nem; Hà thủ ô đỏ chế KOCHI-dạng bột;… đây là một trong những sản phẩm OCOP được thành phố Hà Nội công nhận.

Ngoài ra, iHanoi cũng giới thiệu và chỉ dẫn đến người dùng với nhiều làng nghề truyền thống của Thủ đô, như: Làng gốm Bát Tràng; Làng quất Quảng Bá; Làng xôi Phú Thượng; Làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc; Làng nghề bánh cuốn Thanh Trì; Làng nghề nuôi rắn Lệ Mật; Làng nghề rèn Đa Sỹ; Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu…

iHaNoi: Kết nối người dân với làng nghề truyền thống- Ảnh 5.

Ứng dụng iHaNoi được giới thiệu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06 của UBND TP. Hà Nội

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã, có 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề.

Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, có 745/2.711 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề (chiếm 27,48 % tổng sản phẩm OCOP toàn thành phố).

Việc iHaNoi đưa tính năng giới thiệu và chỉ dẫn làng nghề và sản phẩm OCOP giúp người dân có thể tra cứu thông tin mọi lúc, mọi nơi, linh hoạt và chuyên nghiệp hơn.

Ứng dụng iHanoi không chỉ khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc xây dựng một Thủ đô xanh, thông minh và hiện đại mà còn mở ra những trải nghiệm mới mẻ, thuận tiện cho người dân và du khách. Điều này sẽ giúp người dùng tiết kiệm thời gian, giảm bớt phiền hà trong việc tra cứu thông tin.

An Mai
Ý kiến của bạn