ILO dự báo 1,3 triệu lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp năm 2022

Xã hội
02:05 PM 18/01/2022

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người, tăng hơn so năm 2021 (khoảng 1,2 triệu) và tương đương với mức thất nghiệp của năm 2020.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong năm 2022, dự kiến mức thâm hụt thời giờ làm việc toàn cầu trong năm nay so với quý 4 năm 2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian. Trước đó, hồi tháng 5-2021, ILO dự báo mức thâm hụt chỉ tương đương với số giờ làm việc của 26 triệu việc làm toàn thời gian.

Riêng tại Việt Nam, số lao động thất nghiệp trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người, tăng hơn so với năm 2021 (khoảng 1,2 triệu), và tương đương với mức thất nghiệp của năm 2020.

Đến năm 2023, số lượng thất nghiệp sẽ giảm về mức tương tự năm 2021 nhưng vẫn cao hơn thời điểm năm 2019 (khoảng 1,1 triệu người).

ILO dự báo 1,3 triệu lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp năm 2022 - Ảnh 1.

ILO cảnh báo, việc làm của phụ nữ sẽ còn chịu tác động nặng nề trong những năm tới (Ảnh: THU HẰNG)

Theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội thế giới - Xu hướng năm 2022 của ILO (Xu hướng WESO), cho thấy mặc dù số liệu dự báo mới nhất này có cải thiện hơn so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn số giờ làm việc toàn cầu trước đại dịch 2%.

ILO đánh giá tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước COVID-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019.

Từ đó, ILO lưu ý tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với những gì được thể hiện bởi những con số này do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Các chuyên gia ILO cho rằng, việc hạ dự báo năm 2022, ở một mức độ nào đó, phản ánh tác động mà các biến thể COVID-19 mới như Delta và Omicron gây nên đối với thế giới việc làm cũng như mức độ không chắc chắn đáng kể về diễn biến tương lai của đại dịch.

Báo cáo Xu hướng WESO cảnh báo về mức độ khác biệt rõ rệt khi khủng hoảng tác động tới các nhóm lao động và các quốc gia. Những khác biệt này làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia và làm suy yếu cơ cấu kinh tế, tài chính và xã hội của hầu hết mọi quốc gia, bất kể tình trạng phát triển của họ. Theo đó, cần nhiều năm để khắc phục thiệt hại này, và tiềm ẩn những hệ quả lâu dài về khía cạnh tham gia lực lương lao động, thu nhập hộ gia đình và sự gắn kết xã hội và có thể là cả sự gắn kết chính trị.

Đáng lưu ý, việc làm của phụ nữ dự kiến sẽ còn tiếp tục chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng trong những năm tới. Trong khi đó, việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ có tác động cộng gộp lâu dài đối với thanh niên, đặc biệt là những người không được tiếp cận internet.

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO nhận định hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát, triển vọng phuc hồi vẫn còn mong manh và con đường phục hồi thì chậm và không chắc chắn.

“Chúng ta đều nhận thấy những thiệt hại lâu dài có thể xảy ra đối với thị trường lao động, cùng với sự gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng đáng lo ngại. Nhiều lao động buộc phải chuyển sang các loại hình công việc mới – ví dụ như để đối phó với sự sụt giảm kéo dài của lĩnh vực du lịch và lữ hành quốc tế", ông Guy Ryder nói về triển vọng phục hồi thị trường lao động.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn