IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt gần 6%
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu quốc tế mạnh, đầu tư nước ngoài ổn định và các chính sách điều tiết.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do ông Paulo Medas dẫn đầu đã tiến hành đợt tham vấn theo Điều IV năm 2024 với Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 26 tháng 6. Đoàn đã trao đổi quan điểm với Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, các quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Quốc hội và các cơ quan Chính phủ khác. Đoàn cũng đã gặp đại diện của khu vực tư nhân, các cơ quan nghiên cứu chính sách, các học giả và các đối tác khác.
Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ, ông Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đầy thử thách đã tăng trưởng 5% nhờ những chính sách quyết liệt của Chính phủ. Những xáo trộn với thị trường bất động sản, căng thẳng về tài chính và xuất khẩu giảm mạnh đã tác động mạnh tới nền kinh tế.
Từ cuối 2023, chuyên gia của IMF đánh giá nền kinh tế dần phục hồi nhờ xuất khẩu và du lịch tích cực hơn, cũng như có sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng phù hợp.
“Tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024 được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng hỗ trợ. Dự kiến tăng trưởng cầu trong nước vẫn còn yếu do các doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4-4,5% của NHNN trong năm nay", ông Paulo Medas nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia IMF cho rằng những rủi ro vẫn còn cao. Xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam - có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng cầu trong nước dự báo vẫn còn yếu do các doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn.
Những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính.
Ông Paulo Medas cho rằng, lạm phát vẫn được kiểm soát nhưng NHNN cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu áp lực tăng giá gia tăng. Các chính sách cần tiếp tục tập trung vào việc tăng cường ổn định tài chính, điều này đòi hỏi phải cải thiện chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức với chất lượng thấp. Theo thời gian, tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái song song với hiện đại hóa chính sách tiền tệ hơn nữa theo hướng đặt mục tiêu lạm phát sẽ giúp đối phó với các cú sốc bên ngoài tốt hơn, đồng thời bảo vệ được đệm dự trữ ngoại hối.
Chính sách tài khóa, theo ông Paulo Medas, cũng đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 trong bối cảnh lương khu vực công dự kiến tăng mạnh và những nỗ lực không ngừng nhằm đẩy mạnh đầu tư công. Tăng cường quản lý tài khóa sẽ giúp đối mặt với những thách thức phía trước.
Đáng chú ý, ông Paulo Medas cho rằng, Luật Các Tổ chức Tín dụng mới là một bước tiến quan trọng và cần có tiếp các biện pháp khác để tăng cường giám sát và quản trị các thể chế tài chính. Việc sửa đổi Luật Đất Đai và các luật liên quan đến bất động sản khác nhằm giải quyết những nút thắt về pháp lý trong lĩnh vực này, song cũng cần thêm nỗ lực để tái cơ cấu các doanh nghiệp phát triển bất động sản yếu kém và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.