IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 xuống còn 3,78%
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ đạt mức 3,78% năm 2021, giảm so với mức dự báo 6,5% vào tháng 4/2021.
Ngày 6/4/2021, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 6% trong năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 1970, chủ yếu nhờ các chính sách chưa từng có của các quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, IMF vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook - WEO) cho thấy, những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra, và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.
Tăng trưởng GDP (Nguồn:IMF)
Bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của IMF thông tin, sự thiếu hụt nguồn cung và giá hàng hoá tăng trở lại khiến lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh ở nhiều nước. Giá lương thực tăng mạnh nhất ở các nước thu nhập thấp - nơi tình trạng mất an ninh lương thực đang ở mức nghiêm trọng nhất.
Dự báo tăng trưởng GDP 2021 (Nguồn: IMF)
Cùng với đó, đối với Việt Nam, tháng 4/2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021, nhờ nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Tổ chức này khuyến nghị rằng, các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm nay nhằm bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện.
Song, trong báo cáo ngày 14/10/2021, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 3,78%, giảm 2,72% so với dự báo hồi tháng 4.
Ngoài ra, đối với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, IMF có cái nhìn không mấy lạc quan khi nền kinh tế Mỹ được điều chỉnh giảm mạnh, từ 7% xuống còn 6% trong năm 2021. Còn Trung Quốc thì được IMF dự báo giảm 0,1 điểm xuống còn 8%. Trong khi đó, khu vực đồng Euro được nâng mức dự báo lên từ 4,6% lên 5%.
IMF cũng cảnh báo sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế do sự bất cân bằng lớn về vắc xin, khi 96% dân số ở các nước có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng. Việc này khiến các nước nghèo phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng thấp kéo dài, làm gia tăng đói nghèo và lạm phát.
Tổ chức này nêu rõ, sẽ có thêm 65 - 75 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực trong năm nay. Các nước thu nhập thấp sẽ cần thêm 250 tỷ USD để chống dịch cũng như nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế như trước giai đoạn đại dịch.
Hồng NhuậnKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.