Kbang - Bông hoa thắm khai xuân giữa rừng đại ngàn

Địa phương
09:14 AM 01/02/2023

Kbang (tỉnh Gia Lai) đang "thay da đổi thịt" từng ngày, bước vững chắc trên con đường đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế cùng đất nước.

Mỗi độ Xuân về, nhắc tới vùng đất đỏ Tây Nguyên, chúng ta thường nhớ tới những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, khát vọng sống mãnh liệt của con người nơi đây với bản anh hùng ca "Đi tìm nữ thần mặt trời" trong những bài sử thi hoành tráng, âm thanh huyền bí của rừng già như vang vọng qua giàn cồng chiêng Tây nguyên – nét văn hóa phi vật thể độc đáo – di sản văn hóa Thế giới. 

Nếu ai chưa đặt chân lên mảnh đất này cũng rất dễ hình dung về sự hùng vĩ của nó và sự quả cảm của đồng bào qua hình ảnh làng Kông Hoa giữa rừng núi đại ngàn hiểm trở với những thân gỗ nhiều vòng người ôm của người anh hùng Đinh Núp trong tác phẩm "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc. Ngày nay, đến thăm khu làng kháng chiến Kông Hoa rất thuận tiện bởi làng nằm cách thị trấn Kbang - trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai chỉ khoảng 10km.

photo-1675213103258

Trung tân huyện Kbang – Gia Lai

Thị trấn Kbang nằm bên bờ Đông sông Ba, con sông của đồng bào Bana, với dòng nước mát lành dường như chưa bao giờ cạn là nguồn cung cấp nước cho cả thị trấn. Đây là đô thi loại V, dù vài năm trước, nơi đây còn rất hoang sơ, đường sá đi lại khó khăn, giao thông hầu như chỉ lưu thông vào mùa khô, còn mùa mưa như một ốc đảo dẫn tới việc sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, kinh tế kém phát triển, đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, Kbang đã được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước để bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi nên đường liên tỉnh, lộ đã nối dài tới trung tâm các xã với chiều dài 572km. 

Ngoài ra, Kbang còn được phát triển thêm 10km đường nhựa, bê tông nhựa và 15km đường bê tông xi măng. Giao thông thông suốt đã giải quyết được vấn đề nan giải trong việc khắc phục ách tắc giao thông của mùa mưa bão, điều kiện đi lại của người dân được thuận tiện hơn. 

Phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất cũng kịp thời nên đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong huyện, đồng bào vùng sâu vùng xa cũng đã được nâng cao. 

Dân cư Kbang cũng ngày một đông đúc hơn, đến nay thị trấn đã có tới 14.000 nhân khẩu, đông gần gấp đôi so với đô thị cùng loại ở vùng cao Tây Nguyên. Tốc độ đô thị hóa nhờ vậy cũng phát triển nhanh.

photo-1675213109199

Đường vào thị trấn huyện Kbang

Trục đường chính nối trung tâm thị trấn ra đường quốc lộ đã được mở rộng giống như một tuyến phố đẹp vừa được quy hoạch ở Thủ đô, hai bên đường nhà cao tầng mọc lên san sát, sân vận động đã hoàn thành, các khu trường học, trung tâm hành chính công đều xây dựng to đẹp, nhiều doanh nghiệp có tiềm năng xây dựng nhà máy quy mô sản xuất lớn tạo việc làm cho nhiều lao động ở đây. 

Một người dân cho biết: "Đất ở đây rộng, màu mỡ thích hợp trồng café, hồ tiêu, mía, mỳ (ngô). Nay giao thông thuận tiện, khoa học công nghệ tiên tiến được áp dụng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện lại bám sát được thị trường trong nước và quốc tế nên việc tiêu thụ sản phẩm được giá". 

Anh nói thêm: "KBang đã thay da đổi thịt. Thị trấn đã được quy hoạch mở rộng sang bờ Tây sông Ba, nơi ấy sẽ không còn là những rẫy ngô, mía nữa mà đã trở thành khu dân cư rộng trên 200ha. Lúc này thị trấn Kbang có quy mô của đô thị loại 4, đảm bảo cho 25.000 dân sinh sống. Việc quy hoạch này đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tới năm 2025".

photo-1675213112188

Nét văn minh đô thị thị trấn Kbang

Xuyên qua thị trấn là đường quốc lộ Trường Sơn Đông. Quy hoạch mở rộng thị trấn sang bên bờ Tây sông Ba chính là dọc theo hai bên đường quốc lộ này.

photo-1675213116202

Kbang - Gia Lai là điểm đến tiềm năng đầy hứa hẹn

Mảnh đất này đã phát triển thêm cho thị trấn khu liên hiệp thể thao, công viên, bể bơi, với một hệ thống nhà hàng, siêu thị, khách sạn sinh thái. Khu dân cư đã có thêm nhiều khu nhà biệt thự, nhà vườn để phục vụ cho du khách trong nước và quốc tế, nhất là trong những ngày khai Xuân. 

Nhờ đó, các hộ dân nơi đây mới vững tin khi có được điều kiện để nâng cao nguồn thu nhập và cải thiện đời sống. Đặc biệt, sự xuất hiện của khu công nghiệp Trà Đa với diện tích 58ha, đảm bảo cho 15-20 nhà máy hoạt động khai thác, chế biến gỗ là một trong những thế mạnh của huyện với 80.000ha rừng; và việc nuôi trồng đánh bắt thủy sản ở ba hồ chứa nước phục vụ thủy điện Vĩnh Sơn, Kanank - An Khê với diện tích mặt nước gần 5.000ha.

Bên bờ Tây này còn được phát triển cả khu nhà hàng, hoa viên phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và du khách trong những ngày khai Xuân và trong tua du lịch thăm Đà Lạt mộng mơ, cách thị trấn 300km, cùng với khu rừng sinh thái vườn quốc gia KonKaKing, khu bảo tồn Kon Chrăng… nằm trên địa bàn huyện với nhiều loại động thực vật quý hiếm, nhiều sông suối, thác đẹp tự nhiên phục vụ du khách tham quan.

"Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi" sẽ không còn chỉ là câu khẩu hiệu nữa nếu bạn một lần đến với Kbang và chứng kiến những đổi thay từng ngày.

Hoàng Vân
Ý kiến của bạn