KBSV hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay xuống còn 5,8%
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mức tăng GDP của quý 2/2021 là một mức tăng đáng khích lệ trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, KBSV đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP trong tháng 7 nói riêng cũng như cả năm 2021 nói chung.
Theo báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô của KBSV, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,61% trong quý 2, thấp hơn so với các kỳ vọng và ước tính ban đầu.
Nguyên nhân chủ yếu do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại khiến hàng loạt các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, các khu công nghiệp lớn bị ảnh hưởng. Thế nhưng, mức tăng GDP của quý 2 vẫn được đánh giá là thành quả đáng khích lệ.
Xét từ phía cầu, thứ nhất, tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng trong quý 2/2021 do đại dịch Covid-19. Trong quý 2, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% (giảm so với mức tăng 4,6% của quý 1), trong khi tăng trưởng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng 4,04% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tiêu dùng trong quý 2 đã chịu ảnh hưởng nhất định từ diễn biến đợt dịch Covid-19, dù mức độ ảnh hưởng đã không quá nghiêm trọng như giai đoạn quý 2/2020.
Thứ hai là từ tín hiệu hồi phục từ đầu tư tư nhân và FDI. Vốn đầu tư toàn xã hội trong quý 2/2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mức tăng có sự đóng góp đồng đều ở cả 3 khối là Nhà nước, FDI và tư nhân.
Xét từ phía cung, khu vực công nghiệp và xây dựng trong quý 2/2021 tăng 10,28% so với cùng kỳ, với sự dẫn dắt chính đến từ diễn biến tăng mạnh ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cũng phù hợp với sự bứt phá trong tăng trưởng ở hoạt động xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI từ đầu năm đến 15/6/2021 với tổng giá trị đạt 105,82 tỷ. Tương ứng với đó là kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chính ghi nhận tăng trưởng mạnh như máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ khác, máy vi tính, điện thoại…
Tiếp theo đó, ngành xuất khẩu gỗ, thủy sản và gạo hồi phục giúp tăng trưởng khu vực nông lâm thủy sản ở mức khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý 2/2021 tăng 4,11% so với cùng kỳ, cũng là mức tăng cao nhất của quý 2 trong 3 năm gần đây. Trong đó, giá và khối lượng xuất khẩu của các mặt hàng nông, thuỷ sản nhìn chung đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ nhờ nhu cầu hồi phục mạnh. Trong khi đó, xuất khẩu gỗ & sản phẩm gỗ, và xuất khẩu thuỷ sản cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 62% và 13,6% trong 6 tháng đầu năm về giá trị.
Tuy nhiên, khu vực dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khu vực dịch vụ trong quý 2/2021 tăng 4,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2017-2019. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật vui chơi giải trí, và vận tải kho bãi. Trong khi đó, mảng hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng trưởng mạnh nhờ diễn biến tích cực của các kênh đầu tư nói chung.
Do đó, KBSV dự báo trong tháng 7/2021, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 5,8% và mức lạm phát bình quân ước tỉnh khoảng 3,2%. Bên cạnh đó, KBSV điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 từ 6,5% xuống còn 5,8%.
Trong đó, kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ở các nước phát triển phục hồi là động lực hỗ trợ chính cho kinh tế 6 tháng cuối năm, bên cạnh các động lực khác như thu hút vốn FDI, giải ngân đầu tư công. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ trong nước khó phục hồi trở lại do dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong 6 tháng cuối năm là yếu tố chính làm hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế 2021.
Cũng theo phân tích của KBSV, đợt bùng phát dịch hiện tại trong bối cảnh tốc độ triển khai chương trình tiêm vaccine còn chậm là rủi ro chính ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, với việc làn sóng Covid-19 lần thứ 4 kéo dài từ đầu quý 2 và có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở TP.HCM, cùng các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp khác sẽ ảnh hưởng đến các số liệu nửa cuối năm.
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.