Kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế

Đầu tư và Tiếp thị
11:29 AM 12/11/2021

Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để nhanh chóng hỗ trợ, phục hồi sức dân, sức doanh nghiệp (DN) từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Cần chính sách quyết liệt hơn, mạnh tay hơn

Thời gian qua dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh kinh tế, y tế, văn hóa, an sinh xã hội của nước ta. Nền kinh tế đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn… Để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, nhiều chính sách đã được ban hành. 

Kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các giải pháp hỗ trợ được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh duy trì tăng trưởng.

Song, chính sách tài khóa tham gia vào hỗ trợ nền kinh tế vẫn ở tỷ lệ chưa đáp ứng được nhu cầu do nguồn ngân sách hữu hạn. Các gói hỗ trợ đối với người lao động không có việc làm chưa đủ đảm bảo được vấn đề an sinh, nên nhiều nhà máy, xí nghiệp không giữ chân được người lao động. Khi mở cửa trở lại nền kinh tế thì việc tuyển chọn người lao động đang trở nên vô cùng khó khăn.

Chúng ta đã sử dụng rất nhiều giải pháp, nhưng đến thời điểm này nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ như vừa qua sẽ có tác dụng ngược, vì nền kinh tế không thể hấp thụ. Trong khi bối cảnh hiện tại đòi hỏi sự phục hồi nhanh đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, nếu không có các chính sách, giải pháp hỗ trợ quyết liệt hơn, mạnh tay hơn, khó mà phục hồi sức dân, sức doanh nghiệp từ đó mới có tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chuyên gia đều cho rằng: Gói hỗ trợ kinh tế phải đủ lớn, lộ trình hợp lý; trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023, cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an sinh xã hội, tạo các điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu và chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistics, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh... Quan trọng là gói hỗ trợ phải xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào những ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Phải phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải có sự kết hợp chặt chẽ. Nếu chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ mãi thì vài năm nữa gánh nặng nợ xấu rất lớn, để lại hệ quả nặng nề. Đồng thời các bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, nhìn nhận đúng thực trạng để đề xuất các giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta phải nhìn nhận đúng thực trạng nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ sẽ gây hệ quả rất lớn. 

Tương tự, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất, chúng ta có thể tăng nợ công để có những gói hỗ trợ quy mô lớn là công cụ cơ bản nhất để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Về gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới xấp xỉ 2% GDP có thể nâng lên khoảng 5% GDP, tương ứng khoảng 20 tỷ USD (khoảng 450 nghìn tỷ đồng). Về chính sách tiền tệ, cần điều chỉnh thể chế tín dụng và các hoạt động của thị trường mở. Đó là tiếp tục thực hiện cơ chế khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho người vay tiền ít nhất đến hết năm 2022. Bên cạnh đó, nới lỏng thể chế về quản trị rủi ro tín dụng thông qua các hệ số đánh giá rủi ro điều chỉnh.

Vấn đề rất thời sự hiện nay là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như thế nào để trả lời câu hỏi ngân sách tăng nợ công thì vay của ai, vay thế nào. Yêu cầu này đặt ra sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Hiện nay, người dân nắm giữ một nguồn lực tiền tệ rất lớn, nhưng các nguồn lực đó đã được ký gửi vào tài khoản tiết kiệm của ngân hàng. Vậy, thay vì huy động dưới hình thức phát hành công trái Nhà nước như trước đây thì cần mở ra cơ chế cho các tổ chức tín dụng rất dư thừa thanh khoản có thể sử dụng lượng vốn dư thừa đó mua trái phiếu Chính phủ.

An Mai
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.