Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền Tây Thanh Hóa
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch miền Tây xứ Thanh, mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và du lịch miền Tây Thanh Hóa tại huyện Thường Xuân năm 2024.
Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tỉnh Thanh Hóa tổ chức, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền Tây. Hội nghị không chỉ là nơi giao thương, mà còn là nhịp cầu vững chắc để kết nối nông sản với du lịch, tạo ra những cơ hội hợp tác mới, góp phần nâng cao giá trị nông sản và phát triển du lịch bền vững.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh không chỉ đối với tỉnh Thanh Hóa, mà còn đối với cả khu vực và quốc gia. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn dành nhiều sự quan tâm đến phát triển cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: "Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIX đã lựa chọn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa là một trong 6 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội; UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, nông thôn, thương mại, dịch vụ, du lịch, đến văn hóa, giáo dục đào tạo, việc làm...".
Hội nghị được tổ chức với sự góp mặt của hàng trăm đại biểu, trong đó có hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, được kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả tích cực, thiết thực trong việc hình thành kênh tiếp xúc trực tiếp, hiệu quả giữa doanh nghiệp cung ứng- doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng để liên kết hợp tác đầu tư, kinh doanh, giao thương, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của khu vực.
Mặt khác, hội nghị còn là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối du lịch, đẩy mạnh quảng bá, hình thành các sản phẩm, tour du lịch miền núi đến với du khách trong và ngoài tỉnh; góp phần quan trọng vào sự phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung tại các khu vực miền núi phía Tây của tỉnh.
Kết quả đến nay, tại 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm, dược liệu chất lượng cao, với 136 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao; nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác được lợi thế vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: Cam Vân Du (Thạch Thành), quế Ngọc Thường Xuân, vịt Cổ Lũng (Bá Thước), gà đồi Như Xuân...; qua đó, duy trì, phát triển bền vững các sản phẩm bản địa.
Đáng chú ý là, trong hoạt động xúc tiến thương mại , kết nối, hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trong khu vực cũng được chú trọng thực hiện và bước đầu phát huy hiệu quả; nổi bật là các chuỗi: Chăn nuôi bò sữa gắn với nhà máy chế biến sữa của Vinamilk và Tập đoàn TH; chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa; Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa...
Nhiều sản phẩm đặc sản như nem chua, măng khô Mường Ca Da, gạo nếp Cay Nọi, vịt bầu suối Chăng Mường Hạ, cá tầm Mường Thanh...đã được biết đến trong và ngoài tỉnh, một số sản phẩm chế biến từ tre luồng đã xuất khẩu đã mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân.
Cùng với đó, tại các địa phương trong khu vực miền núi cũng đã hình thành được khu, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách: như: Pù Luông (huyện Bá Thước), làng Lúng (xã Xuân Thái, huyện Như Thanh); bản Mạ (huyện Thường Xuân), bản Ngàm (huyện Quan Sơn)... Giai đoạn 2020-2024, lượng khách du lịch cộng đồng miền núi của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,7%, cao hơn mức bình quân của cả tỉnh là 9,6%.
Riêng năm 2024, du lịch Thanh Hóa đón được 15,3 triệu lượt khách, trong đó du lịch cộng đồng đạt 2,145 triệu lượt (chiếm 14%), với tổng thu du lịch cộng đồng đạt 3.213 tỷ đồng (bằng 9,5% tổng thu du lịch của cả tỉnh, đạt 33,815 tỷ đồng).
"Để đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch khu vực phía Tây, trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ưu tiên tập trung các nguồn lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; đặc biệt là công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng; xây dựng các đề án phát triển du lịch cộng đồng; các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch; kết nối cung cầu hàng hóa - sản phẩm trong khu vực được thực hiện thường xuyến; cùng với đó là nhiều hoạt động phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề cũng được chú trọng thực hiện", ông Nguyễn Văn Thi chia sẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã được tham gia nhiều ý kiến tham luận về giải pháp đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản, đầu tư phát triển du lịch miền Tây Thanh Hóa trong giai đoạn tới. Đồng thời đã tiến hành ký Biên bản ghi nhớ về kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm và hợp tác phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Triều NguyệtĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.