Kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các nhà nhập khẩu Hàn Quốc
Sáng 25/8, tại khách sạn Central, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Diễn đàn gặp gỡ, kết nối giữa các doanh nghiệp (DN) tỉnh Thanh Hóa với các nhà nhập khẩu Hàn Quốc.
Dự hội nghị, về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan; các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Về phía đại biểu Bộ Công Thương có ông Đào Trọng Tiến, Bí thư thứ 3 thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.
Về phía các nhà nhập khẩu Hàn Quốc, có ông Kim Byung Kwan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) cùng gần 80 nhà nhập khẩu Hàn Quốc trong hiệp hội.
Trân trọng chào mừng các nhà nhập khẩu đến từ đất nước Hàn Quốc, phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhấn mạnh mối quan hệ đối ngoại tốt đẹp giữa tỉnh Thanh Hóa và đất nước Hàn Quốc nói chung cũng như mối quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh Thanh Hóa với thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi.
Nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, quy mô cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, nổi bật là Hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc với chủ đề "Hội tụ nguồn nhân lực, đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững" đã được tổ chức tại TP Sầm Sơn vào tháng 3/2022. Cùng với đó, nhiều hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Hàn Quốc đã và đang tiếp tục được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên thực hiện trong chương trình đối ngoại và xúc tiến hằng năm của tỉnh.
Trong quan hệ hợp tác đầu tư, tỉnh Thanh Hóa hiện có 42 dự án từ nhà đầu tư Hàn Quốc và Hàn Quốc liên danh Hàn Quốc - Nhật Bản (chiếm 27,8% tổng số các dự án FDI của tỉnh Thanh Hóa), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD (chiếm 21% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh).
Nhiều dự án FDI khác từ Hàn Quốc đã đi vào hoạt động hiệu quả tại tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã viện trợ cho tỉnh Thanh Hóa 5 dự án ODA, với tổng nguồn vốn hơn 135 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, phát triển đô thị và đã đem lại hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa.
Riêng với lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, mặc dù còn gặp khó khăn cả về sản phẩm đầu ra và nguyên liệu đầu vào, nhưng nắm bắt cơ hội phát triển thị trường và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, quan hệ thương mại giữa tỉnh Thanh Hóa và Hàn Quốc đã đạt được những kết khả quan.
Tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng diễn đàn này là dịp để các DN, các nhà đầu tư, nhà nhập khẩu Hàn Quốc tìm hiểu, có thêm thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, là cầu nối hữu hiệu, giúp các DN tỉnh Thanh Hóa và các DN nhập khẩu Hàn Quốc kết nối, trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường và trở thành đối tác chiến lược tin cậy trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, ông Kim Byung Kwan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) cho biết: Thị trường nhập khẩu của Hàn Quốc hiện đã mở rộng lên đến 620 tỷ USD. Hàn Quốc đã phát triển thành nước nhập khẩu lớn thứ 9 thế giới và đang nỗ lực trở thành một trong 5 quốc gia có thương mại lớn nhất thế giới.
KOIMA với hơn 8.000 công ty nhập khẩu. Với kiến thức và chuyên môn về thị trường nhập khẩu Hàn Quốc, KOIMA là đối tác lý tưởng và đáng tin cậy nhất cho các công ty muốn thâm nhập thị trường Hàn Quốc. Nhiệm vụ của KOIMA là tìm nguồn cung ứng, giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh có ý nghĩa cho cả hai bên bằng cách hỗ trợ thảo luận với chính phủ để mở rộng thương mại và sắp xếp các cuộc họp kinh doanh. Hàng năm, KOIMA tổ chức Hội chợ nhập khẩu Hàn Quốc tại COEX ở Seoul, hội chợ nhập khẩu toàn cầu duy nhất tại Hàn Quốc. Ngoài ra, KOIMA còn cung cấp thông tin về các nhà nhập khẩu Hàn Quốc thông qua nền tảng cơ sở dữ liệu nhập khẩu, kết nối thị trường thương mại Hàn Quốc với thị trường toàn cầu.
"Chúng tôi cũng có các thỏa thuận kinh doanh với hơn 150 tổ chức liên quan đến thương mại ở hơn 90 quốc gia nhằm củng cố cơ chế chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của chúng tôi. Ngoài ra, KOIMA còn ủy thác cho các chuyên gia thương mại trong nước gồm đại diện nhà nhập khẩu chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến thương mại và cung cấp thông tin về các nhà cung cấp nước ngoài xuất sắc để giúp các doanh nghiệp nhập khẩu tích cực phát triển. Chúng tôi nhận thấy tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác xuất khẩu với chúng tôi và chúng tôi mong muốn sau hội nghị này sẽ hiện thực hóa nhanh các hoạt động" - Chủ tịch Hiệp KOIMA, ông Kim Byung Kwan nhấn mạnh".
Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương báo cáo tại hội nghị: Hiện nay Thanh Hóa có hơn 200 DN tham gia sản xuất hàng hóa xuất khẩu và 55 chủng loại hàng hóa được xuất khẩu đến 53 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng thị trường Hàn Quốc tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa sang thị trường Hàn Quốc đạt 270,6 triệu USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, gấp 3,4 lần so với năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu đạt 123,2 triệu USD tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Kết quả hợp tác phát triển giữa tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, DN của Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu, tuy nhiên dư địa cho hợp tác, giao lưu giữa hai bên vẫn còn rất lớn. Chúng tôi trân trọng đề nghị KOIMA, các nhà nhập khẩu Hàn Quốc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa gia nhập ngày càng nhiều vào các đơn hàng các DN; đồng thời, mong muốn các DN tham gia diễn đàn hôm nay giới thiệu với bạn bè, đối tác của mình đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và quyết định đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sử dụng công nghệ cao, sản xuất ô tô; nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch; y tế chất lượng cao; phát triển hạ tầng, đô thị và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phục vụ nhu cầu phát triển của các trung tâm kinh tế động lực, khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, các hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh đã trao đổi cụ thể hơn về những tiềm năng, lợi thế, những lĩnh vực hàng hóa sẽ khả thi kết nối, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Ông Cao Tiến Đoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Cơ hội hợp tác về thương mại giữa doanh nghiệp Thanh Hóa và doanh nghiệp Hàn Quốc là rất lớn. Ngoài các DN đang thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: may mặc, giầy da, thủy hải sản đông lạnh, đá... Khảo sát của Hiệp hội cho thấy nhu cầu mở rộng thị trường từ các DN Thanh Hóa, hiện có khoảng gần 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc, như: dưa lưới, dưa chuột, dưa vàng, nước mắm; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, thảm cói, chiếu cói; các sản phẩm dược liệu như: đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, tổ yến... Đó là những cơ hội lớn để 2 bên cũng xúc tiến những công việc cụ thể nhằm tiến tới những hợp tác tốt đẹp hơn nữa về quan hệ xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Để thúc đẩy các hoạt động này thành công, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Thanh Hóa chia sẻ: Hiệp hội DN TP Thanh Hóa sẽ hỗ trợ mở văn phòng miễn phí, tạo cơ hội cho DN Hàn Quốc tìm hiểu và thực hiện thủ tục pháp lý tại Thanh Hóa. Chúng tôi mong muốn được gặp gỡ, trao đổi, học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các DN Hàn Quốc, đặc biệt ở các lĩnh vực thế mạnh như mỹ phẩm, làm đẹp... các tiến bộ trong ứng dụng khoa học - công nghệ…
Bế mạc diễn đàn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm khẳng định: Trong thời gian tới, để hỗ trợ các DN, nhà đầu tư Hàn Quốc nói chung và Hiệp hội các Nhà nhập khẩu Hàn Quốc nói riêng đến tìm hiểu, đầu tư, kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật, thủ tục đầu tư của Việt Nam; về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu, cũng như các DN đang hoạt động tại Thanh Hóa theo phương châm thủ tục "đúng, nhanh, thuận lợi, tin cậy".
Sở Công Thương có trách nhiệm làm đầu mối kết nối và hỗ trợ DN Hàn Quốc trong các hoạt động thương mại, dịch vụ, đưa ngày càng nhiều các nhà nhập khẩu Hàn Quốc đến với tỉnh Thanh Hóa và các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa đến với người dân Hàn Quốc. Đồng chí cũng đề nghị các DN, hiệp hội ngành hàng của tỉnh Thanh Hóa chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và sản phẩm xuất khẩu; chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu Hàn Quốc; sản xuất sản phẩm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết với Hàn Quốc, từ đó tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng Hàn Quốc về các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa.
Sau diễn đàn này, tỉnh Thanh Hóa mong muốn và đề nghị Hiệp hội các Nhà nhập khẩu Hàn Quốc sẽ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Thanh Hóa.
"Thanh Hóa cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các DN và nhà nhập khẩu của Hàn Quốc đến tìm hiểu, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhập khẩu thành công và lâu dài tại tỉnh Thanh Hóa. Vì thành công của các bạn là thành công của chính chúng tôi. Và chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm được chào đón làn sóng mới các nhà đầu tư, DN, nhà nhập khẩu Hàn Quốc đến với tỉnh Thanh Hóa" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm bày tỏ.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội DN TP Thanh Hóa với tổ chức KOIMA; ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội DN nông nghiệp an toàn hữu cơ tỉnh Thanh Hóa với KOIMA.
Yến HoàngViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.