Khắc phục thẻ vàng IUU- Bài toán khó cũng phải làm

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:28 PM 21/09/2021

Nếu Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU (hống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) rất có nguy cơ nâng cảnh cáo lên thẻ đỏ của Ủy ban châu Âu (EC) thời gian tới.

Không chỉ là câu chuyện chiếc thẻ

IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU.

Đầu tiên là hoạt động đánh bắt cá trái phép, nghĩa là các tàu cá đánh bắt thủy sản ở những vùng biển trái phép hoặc cấm đánh bắt. Những tàu cá không được cấp phép đánh bắt cá hay vi phạm quy định khai thác hải sản của quốc gia, quốc tế cũng bị liệt vào nhóm trên. Số liệu của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) cho thấy đánh bắt cá trái phép khiến thế giới mất khoảng 23 tỷ USD mỗi năm.

photo-1632207470689

Việt Nam sẽ khó gỡ thẻ vàng IUU nếu vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm về giám sát hành trình.

Tiếp đó, IUU quy định những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước lẫn quốc tế. Yếu tố cuối cùng yêu cầu các tàu đánh cá treo cờ của một quốc gia nào đó và không được khai thác quá mức, đánh bắt cá con hay tàn phá nguồn thủy sản của một khu vực.

Kể từ năm 2010, những quy định về IUU yêu cầu tất cả những lô hàng hải sản nhập khẩu vào thị trường EU phải kê khai thông tin về loài cá đánh bắt, địa điểm khai thác, ngày bắt và loại tàu đánh bắt cùng tất cả những phương tiện tham gia.

Các quy định IUU đã khiến rất nhiều quốc gia siết chặt quy định khai thác hải sản. Ví dụ năm 2013, EU phạt thẻ vàng với Hàn Quốc và không lâu sau đó đến lượt Mỹ cũng liệt các lô hàng hải sản của nước này vào dạng cần theo dõi. Áp lực cực lớn từ 2 thị trường đã khiến toàn bộ máy Hàn Quốc hành động nhằm siết chặt các quy định về đánh bắt hải sản.

Theo quy định của IUU, ngoài việc cấm nhập khẩu, các quốc gia thành viên EU phải xử phạt thấp nhất là 5 lần giá trị lô hàng vi phạm tiêu chuẩn. Hơn nữa, việc cấm nhập khẩu hay phạt thẻ vàng còn khiến đối tác tại EU lo ngại cùng chuyển đổi nguồn cung cấp, khiến các nước xuất khẩu hải sản mất thị phần.

Việc EU phạt thẻ vàng với các lô hàng hải sản của Việt Nam sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đánh bắt cá bởi đây là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam.  Uớc tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU; trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.

Ngoài ra, điều này cònlàm mất uy tín của hải sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, không chỉ ảnh hưởng đến thị phần mà còn mất đi cơ hội phát triển ở những thị trường tiềm năng khác.

Siết chặt quản lý tàu cá

Đã gần 4 năm trôi qua kể từ khi EC rút thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (ngày 23/10/2017). Và đến nay, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhưng thẻ vàng vẫn chưa được tháo gỡ. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nếu như không gỡ được thẻ vàng và vẫn tiếp tục có những vi phạm, rất có khả năng EC sẽ chuyển từ phạt thẻ vàng sang thẻ đỏ.

Thực tế trong suốt thời gian 4 năm qua, đã có 21 quốc gia bị rút thẻ vàng, trong đó đã có 14 quốc gia đã gỡ được, còn lại 7 quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa thể gỡ. Đáng chú ý, đã có 6 quốc gia bị rút thẻ đỏ, trong đó có 3 quốc gia gỡ được thẻ và còn 3 quốc gia.

Khắc phục thẻ vàng IUU- Bài toán khó cũng phải làm - Ảnh 2.

Cần siết chặt quản lý tàu cá và tuyên truyền đến ngư dân. Ảnh minh họa

Hiện nay, Việt Nam đã và đang nỗ lực với nhiều giải pháp ngăn chặn việc khai thác IUU và những nỗ lực của Việt Nam đã được phía EC ghi nhận. Nhưng, EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện là: khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thực thi pháp luật.

Bản chất của vấn đề ở đây đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện tốt việc quản lý tàu cá, đảm bảo các tàu cá khi ra khơi đánh bắt cần đảm bảo tuân thủ theo các quy định của Luật Thủy sản, đảm bảo tuân thủ theo quy định chống khai thác IUU, không vi phạm vùng biển của nước ngoài. Đây là vấn đề mà chính quyền các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc và quyết liệt để từng bước hạn chế dần và tiến tới chấm dứt tình trạng các tàu cá vi phạm trong thời gian ngắn nhất.

Kinh nghiệm từ những nước đã tháo gỡ được thẻ vàng cho thấy, về vấn đề này, họ đã triển khai rất nghiêm túc và có hiệu quả trong việc quản lý tàu cá. Tiêu biểu như Thái Lan, đã được EC tháo gỡ thẻ vàng từ đầu năm 2019 khi nước này đã có rất nhiều nỗ lực: thiết lập quy định xử phạt nghiêm khắc nếu cố tình vi phạm, đồng thời, củng cố các cơ chế, hệ thống kiểm tra đội tàu đánh cá quốc gia, trong đó có hoạt động giám sát từ xa các hoạt động đánh bắt cá và kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng ngay tại cảng. Theo đó, tất cả tàu cá của Thái Lan đều được lắp đặt hệ thống định vị giám sát tàu cá VMS, từ đó, các nhân viên của Tổng cục Thủy sản sẽ nắm rõ các tàu cá đang hoạt động ở đâu, nằm trong vùng lãnh hải của Thái Lan hay ở khu vực cấm đánh bắt.

Với Việt Nam, hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật gồm: 2 nghị định của Chính phủ, 8 thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ năm 2019 đã quy định đầy đủ các nội dung về chống khai thác IUU. Các văn bản này khi xây dựng đều tham khảo ý kiến của EC. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng lọ ra nhiều hạn chế cần bổ sung, sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

 Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, với việc  hướng dẫn các địa phương thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tính đến 30/4/2021 cả nước đã lắp đặt được 26.865  tàu, mới đạt tỷ lệ 86,8%. Việt Nam cần phải tăng tốc thực hiện nhanh hơn nữa để có được sự quản lý chặt chẽ về hành trình khai thác của từng tàu cá.

Cần tuyên truyền tích cực hơn nữa, sâu rộng hơn nữa và có thông điệp, nội dung trọng điểm để cả chính quyền các địa phương và ngư dân thực sự thấm nhuần của cần thiết tham gia vào việc tháo gỡ thẻ vàng.

Chỉ khi chấm dứt được vấn đề tàu cá vi phạm, chỉ khi không có tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài, thì khi đó, cùng với những nỗ lực khác thì đây sẽ là điều kiện quan trọng đầu tiên để EC xem xét gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.

Cả bộ máy, chính quyền và người dân cùng ý thức chung tay trong vấn đề khai thác thủy sản sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để tháo gỡ thẻ vàng IUU và câu chuyện thẻ vàng hay thẻ đỏ sẽ không còn hiện hữu khi chúng ta tuân thủ đúng, làm đúng.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn