'Khắc tinh' của biến thể kép COVID-19 ở Ấn Độ
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, vaccine sản xuất bằng công nghệ mRNA dường như có hiệu quả chống lại biến thể B.1.617 ở Ấn Độ.
Tại buổi họp báo mới đây, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri cho rằng, dữ liệu đánh giá của EMA liên quan đến hiệu quả của vaccine sản xuất bằng công nghệ mRNA chống lại biến thể B.1.617 của SARS-CoV-2 là "đáng khích lệ". Đặc biệt, Ông Cavaleri cũng lạc quan về vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna có hiệu quả phòng bệnh, "ít nhất là ở mức độ đảm bảo đủ bảo vệ cơ thể người trước biến thể mới từ Ấn Độ".
Đại diện EMA cũng hy vọng hai loại vaccine khác đã được phê duyệt ở Liên minh châu Âu (EU) là Oxford/AstraZeneca và Johnson & Johnson cũng có hiệu quả với biến thể này.
Hiện EMA đang thu thập thêm dữ liệu bổ sung từ Ấn Độ, nơi một phiên bản vaccine của AstraZeneca đang được sử dụng trong tiêm chủng.
Ông Cavaleri khẳng định: “Cho đến nay, về tổng thể, chúng tôi khá tự tin rằng vaccine sẽ có hiệu quả chống lại biến thể nguy hiểm này".
Được biết, các loại vaccine được cấp phép sử dụng tại Liên minh châu Âu (EU) hiện nay là của Pfizer/BioNTech và Moderna - vốn sử dụng công nghệ mRNA, cũng như vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson, sử dụng công nghệ "vector virus".
Trước đó, ngày 10/5, hãng dược phẩm BioNTech của Đức cho biết ở thời điểm hiện tại, vaccine phòng COVID-19 do hãng này cùng hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp phát triển và bào chế không cần bất kỳ điều chỉnh nào để thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Hãng dược của Đức cũng nêu rõ, hãng đã dự phòng các tình huống và từ tháng 3 vừa qua, các chuyên gia đã bắt đầu thử nghiệm "một phiên bản bổ sung chống lại biến thể mới đặc biệt" của vaccine Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu, đánh giá về tác động của mũi vaccine thứ ba trong việc kéo dài khả năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể con người trước các biến thể mới.
Tháng 4 vừa qua, Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin từng khẳng vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả với biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể B.1.617, xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, đã được phát hiện tại 44 quốc gia và vừa được WHO xếp vào danh sách biến thể "đáng lo ngại" cấp toàn cầu khi virus lây lan nhanh hơn và tăng khả năng kháng cự với kháng thể và vaccine.
3 biến thể khác phát hiện lần đầu ở Anh (B.1.1.7), Brazil (P.1) và Nam Phi (B.1.351) được coi là nguy hiểm hơn phiên bản gốc của SARS-CoV-2 vì chúng dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc kháng một số loại vaccine nhất định.
Nhung T.Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.