Khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16,44 triệu lượt
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tháng 7/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,52 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 7 tháng qua, tổng khách du lịch đến thành phố ước đạt 16,44 triệu lượt, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 29/7, theo thông tin của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 7, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 425,5 nghìn lượt khách, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 300 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 2,10 triệu lượt khách, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.247 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023
Dự kiến trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16,44 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,43 triệu lượt khách, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 2,42 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 13,01 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 63.602 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 7/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 58,57%, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 606 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.
Để thu hút du lịch cuối năm, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về việc đổi mới mô hình tổ chức, phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức; tổ chức các chương trình sự kiện: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024, chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội năm 2024, chuỗi hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử Hà Nội, hội nghị gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024,...
Ngành du lịch Thủ đô triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Mỹ Đức, huyện Chương Mỹ; đồng thời, tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên phát triển 2 đến 3 mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện Thường Tín, Ba Vì, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây… theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) và kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội.
Thương HuyềnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.