Khai mạc Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung
Sáng 13/11, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam - Trung Quốc (Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung) là cơ chế hợp tác thành lập từ năm 2002 với mục đích trao đổi, thúc đẩy hợp tác trên đa dạng các lĩnh vực: Kinh tế - thương mại, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế… nhằm xây dựng "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" Việt Nam - Trung Quốc.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Lưu Hiểu Khải, Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; đồng chí Hùng Ba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương của Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung.
Phát biểu Khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Thủ đô Hà Nội vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ 10. Đây là sự kiện đối ngoại chính trị và kinh tế thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển, cùng có lợi giữa các tỉnh, thành phố trong Hành lang kinh tế".

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Lễ Khai mạc.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ 10. Sau 3 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, việc tổ chức Hội nghị hôm nay thể hiện nỗ lực rất cao và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước nhằm tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác quan trọng này".

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Thời gian tới, dù hai bên còn nhiều việc phải làm, có những khó khăn, thách thức phải vượt qua, song tôi tin tưởng rằng, chúng ta có cơ sở vững chắc và đang đứng trước những cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong hành lang kinh tế 5 tỉnh thành phố Việt-Trung, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên".
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nêu ra một số gợi mở trao đổi tại Hội nghị, như:
Các địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, chủ động và sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung Cấp cao, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững
Cần hết sức chú trọng nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đi đôi với việc cùng nghiên cứu, trao đổi để thiết lập các khuôn khổ, mô hình hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện và ưu tiên phát triển của các địa phương hai bên, nhằm tạo ra những bước đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư; đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ và đường sắt khu vực biên giới; mở rộng hợp tác văn hóa - du lịch; đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa các địa phương, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Tăng cường hợp tác để quản lý tốt và sử dụng an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; bảo đảm sinh kế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân hai bên.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị; đẩy nhanh việc mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ; tạo thuận lợi hơn nữa cho nhân dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp và tăng cường giao thương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Trần Quốc Phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Trần Quốc Phương, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhật khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2022. Về đầu tư, tính đến nay các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về hợp tác phát triển, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, y tế, văn hoá, giáo dục… đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao - Nguyễn Minh Vũ.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Nguyễn Minh Vũ, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thuộc khuôn khổ hợp tác "Hai hành lang, Một vành đai kinh tế" là cơ chế hợp tác có tính chất liên vùng và xuyên quốc gia, nhằm tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương dọc theo tuyến hành lang kinh tế, đồng thời giúp lan tỏa tới các địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc, hướng tới mục tiêu chung là cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Việc thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 10 hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố, chính thức khởi động lại cơ chế này sau 03 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác địa phương Việt - Trung trong năm 2023, dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Sự kiện này cũng phản ánh nhu cầu thực tế về tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước nói chung, các địa phương trong hành lang kinh tế nói riêng, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, các thách thức đối với phục hồi và tăng trưởng kinh tế, an ninh và các vấn đề xuyên biên giới, vấn đề toàn cầu ngày càng phức tạp, đan xen, nhất là các vấn đề về đứt gãy chuỗi cung, lạm phát, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu...
Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X năm 2023 do UBND thành phố Hà Nội chủ trì được tổ chức trong 2 ngày 13 và 14/11/2023 với chủ đề: "Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới". Đây được xem là sự kiện đối ngoại lớn của thành phố Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tích cực triển khai Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong năm 2023.
Bảo Trung
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,02%).